20:14 21/02/2023

Tăng trưởng 12,4%/năm giai đoạn 2026-2030, Phú Thọ dựa vào động lực nào?

Anh Nhi

Đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5% giai đoạn 2021-205 và 12,4% giai đoạn 2026-2030, quy hoạch tỉnh Phú Thọ định hướng phát triển 3 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp; 3 vùng công nghiệp với việc bổ sung thêm 6 khu công nghiệp, 28 cụm công nghiệp; và hình thành trung tâm logistics cấp vùng…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Trung.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Trung.

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 21/2, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng Phú Thọ có nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế như nằm ở vị trí trung tâm ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội; trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh…

Tuy nhiên, việc phát triển của Phú Thọ thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ của trung ương; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả; tài nguyên và dư địa không gian phát triển còn nhiều nhưng chưa phát huy hết…

“Do đó, những điểm hạn chế trên cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ để khắc phục, giải quyết trong bài toán quy hoạch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý.

Theo đó, để tỉnh Phú Thọ phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Phú Thọ phải làm rõ được những động lực, đột phá để có thể đạt được tăng trưởng 8,5% giai đoạn 2021-2025 và 12,4% giai đoạn 2026-2030 như các kịch bản đưa ra.

Tăng trưởng 12,4%/năm giai đoạn 2026-2030, Phú Thọ dựa vào động lực nào? - Ảnh 1

Đặc biệt là việc xem xét định hướng phát triển và tổ chức không gian trong từng ngành, bao gồm: 3 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp; 3 vùng công nghiệp với việc bổ sung thêm 6 khu công nghiệp và 28 cụm công nghiệp; trung tâm dịch vụ thương mại, cảng cạn tại TP.Việt Trì và trung tâm logistics cấp vùng tại thị xã Phú Thọ; và bổ sung thêm 17 sân golf trong điều kiện bảo đảm phù hợp với các tiêu chí về bảo vệ môi trường và khả năng thu hút đầu tư…

LIÊN KẾT CHẶT CHẼ VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG KHÁC

Chia sẻ quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh đã bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030 và tuân thủ các quy định về hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch… để xây dựng 38 báo cáo chuyên đề và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

“Đây là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển cho Phú Thọ”, ông Quang nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn cho biết, quan điểm phát triển của Phú Thọ trong thời kỳ 2021-2030 là đặt Phú Thọ trong quan hệ chặt chẽ với các địa phương khác để tạo ra hiệu ứng tốt cho việc phát triển kinh tế của Phú Thọ và đảm nhận được vai trò trung tâm và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương Tiểu vùng Tây Bắc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Phú Thọ xác định 4 ưu tiên phát triển, bao gồm: Một trung tâm (Đô thị trung tâm Việt Trì); Hai trục kinh tế (2 hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây); Ba đột phá phát triển (Cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng); Bốn nhiệm vụ trọng tâm (Trung tâm du lịch, trung tâm khám chữa bệnh, trung tâm giáo dục – đào tạo và trung tâm thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản).

Cụ thể, tỉnh Phú Thọ sẽ mở rộng  Đô thị Việt Trì thành đô thị loại I với trọng tâm là phát huy vai trò Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng trục hành lang Đông - Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL.2D hiện hữu; đường Liên vùng nối đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái; và Trục Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến Cao tốc Bắc Nam phía Đông (cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc đoạn tuyến Cổ Tiết - Chợ Bến, Hòa Bình); một phần tuyến QL.2; đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 70B đi tỉnh Hòa Bình; Cầu Tình Cương, Cầu Vĩnh Lại.

PHÂN BỔ NGUỒN LỰC, HƯỚNG TỚI ĐỘT PHÁ VÀ TẠO ĐỘNG LỰC

Góp ý hoàn thiện quy hoạch tỉnh Phú Thọ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Ngoại giao; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… nhận định rằng, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ chưa đánh giá đầy đủ vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc để xác định điều kiện đặc thù, lợi thế của tỉnh trong khu vực, đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải; chưa xác định các khu vực đặc biệt khó khăn để đầu tư phát triển; chưa so sánh, đánh giá với các địa phương trong vùng và với cả nước, nên chưa chỉ ra được vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng và quốc gia.

Theo TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phú Thọ đưa ra 5 quan điểm phát triển tuy nhiên chưa có các quan điểm mới, có tính đột phá rõ nét cho riêng tỉnh Phú Thọ.

“Phát triển có trọng tâm hay dàn đều, có chọn vùng động lực để lan tỏa ra các vùng khác hay không cần phải làm rõ trong quan điểm”, TS. Sinh khuyến nghị.

Đối với định hướng phát triển sân golf, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phân tích, làm rõ hiệu quả của các sân golf đang hoạt động trong địa bàn tỉnh, đóng góp cho ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân… để từ đó có căn cứ cho đề xuất xây dựng các sân golf khác.

TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy hoạch. Ảnh: Đức Trung.
TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy hoạch. Ảnh: Đức Trung.

“Phát triển sân golf trong quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết vì Phú Thọ chủ yếu là đất đồi núi, rất khó để trồng lúa hay làm khu công nghiệp. Nhưng vấn đề đặt ra là từ nay tới năm 2025, Phú Thọ sẽ huy động vốn để phát triển như thế nào?”, TS. Sinh nêu quan điểm.

Về quy hoạch phát triển trung tâm dịch vụ logistics, TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) khuyến nghị Phú Thọ nên xem xét bổ sung quy hoạch cảng cạn tại thị xã Phú Thọ để tận dụng lợi thế giao thông đường thủy nhằm từng bước hình thành trung tâm logistics cấp vùng tại đây.

Đánh giá cao những nỗ lực của Phú Thọ trong việc hoàn thiện quy hoạch tỉnh, TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị Phú Thọ làm rõ hơn một số chỉ tiêu như kinh tế số, đô thị hóa, cơ cấu lao động…

Đặc biệt, về các “điểm nghẽn” hay các vấn đề trọng tâm của quy hoạch, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch khuyến nghị Phú Thọ xem xét xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, dựa trên đầu tư nâng cao năng suất đổi mới sáng tạo gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và tăng cường thu hút đầu tư, hình thành những dự án “thay đổi cuộc chơi” có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy công nghiệp hóa, phát triển các ngành dịch vụ - du lịch trở thành ngành mũi nhọn.

 

100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ

Tại phiên họp ngày 21/2/2023, các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh đã bỏ phiếu thông qua Quy hoạch Tỉnh. Theo đó, 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ với điều kiện có chỉnh, sửa bổ sung. 

Trên cơ sở đó, Phú Thọ sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.