06:00 03/05/2021

Tăng trưởng bùng nổ, kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn tất hồi phục hậu Covid-19

Bình Minh

Số liệu GDP quý 1 "là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang cất cánh. Năm nay có thể là một năm bùng nổ”...

 Người tiêu dùng đang là đầu tàu tăng trưởng kinh tế Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Người tiêu dùng đang là đầu tàu tăng trưởng kinh tế Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Các hoạt động kinh tế Mỹ tăng bùng nổ trong quý đầu năm 2021, nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và nỗ lực kích cầu của Chính phủ. Báo cáo GDP do Bộ Thương mại Mỹ công bố mới đây cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đạt mức tăng trưởng 6,4% trong quý 1. Ngoài mức tăng 33,4% ghi nhận trong quý 3/2020 - khi nền kinh tế vừa mở cửa trở lại - đây là quý tăng mạnh nhất của kinh tế Mỹ kể từ quý 3/2003. Tuy nhiên, mức tăng này có thấp hơn so với mức dự báo 6,5% mà giới phân tích đưa ra.

Trước đó, trong quý 4/2020, kinh tế Mỹ tăng 4,3%.

“Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang cất cánh. Năm nay có thể là một năm bùng nổ”, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics phát biểu với trang CNN. “Rõ ràng, người tiêu dùng Mỹ đang giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế và các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ”.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ qua các quý từ 2012.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ qua các quý từ 2012.

Tiêu dùng, khu vực chiếm 68,2% nền kinh tế Mỹ, đạt tốc độ tăng trưởng 10,7% trong quý 1, so với mức tăng 3,2% đạt được trong quý 4/2020. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ này xuất phát từ tấm séc kích cầu 1.400 USD trong khuôn khổ gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Đầu tư và chi tiêu công tăng 6,3%.

Những con số này phản ánh một nền kinh tế đã có những bước tiến dài kể từ đợt phong toả năm 2020 khiến hơn 22 triệu người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp và GDP nước này có cú sụt chưa từng có tiền lệ 31,4% trong quý 2/2020.

Tuy nhiên, Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ (BER) vẫn chưa công bố kinh tế Mỹ thoát suy thoái, vì tổng GDP tính bằng USD chưa quay trở lại mức đỉnh thiết lập trước đại dịch. Nếu so với trước đại dịch, GDP cả năm của Mỹ hiện mới đạt khoảng 96%.

Trong số người Mỹ mất việc vì Covid, đến nay đã có 14 triệu người tìm được việc. Dù vậy, theo ước tính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), số người có việc làm ở nước này hiện vẫn đang ít hơn khoảng 8,4 triệu so với trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh về 6% từ mức đỉnh 14,7%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 3,5% vào thời điểm tháng 2/2020.

Với thị trường việc làm còn nhiều khó khăn, Fed có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ phục hồi. Ngoài việc hạ lãi suất về 0-0,25% và duy trì cho đến nay, Fed đã chi gần 4 nghìn tỷ USD để mua tài sản, nâng giá trị bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này lên gần 8 nghìn tỷ USD.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 4, Fed nhấn mạnh rằng “các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm đã khởi sắc gần đây, nhưng những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch vẫn còn đang yếu”. Chủ tịch Fed Jerome Powell thì nhấn mạnh rằng sự phục hồi của nền kinh tế “còn chưa đều và sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện”.

Ngoài sự hỗ trợ của Fed, nền kinh tế Mỹ còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính sách tài khoá.

Quốc hội Mỹ từ đầu đại dịch đến nay đã phân bổ khoảng 5,3 nghìn tỷ USD để kích cầu, đẩy thâm hụt ngân sách liên bang lên 1,7 nghìn tỷ USD trong nửa đầu tài khoá 2021 và nợ liên bang lên mức 28,1 nghìn tỷ USD. Mới đây, ông Biden còn đề xuất thêm một gói đầu tư hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD và một gói hỗ trợ gia đình-giáo dục trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.