“Sóng thần Covid” liệu có nhấn chìm kinh tế Ấn Độ?
Làn sóng dịch bệnh thứ hai đã đẩy Ấn Độ chìm vào một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng và đe doạ triển vọng nền kinh tế...
Làn sóng dịch bệnh thứ hai đã đẩy Ấn Độ chìm vào một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng và đe doạ triển vọng nền kinh tế.
Trong nhiều ngày liên tiếp, số ca nhiễm mới Covid-19 tại quốc gia Nam Á duy trì ở mức trên 300.000, số ca tử vong hàng ngày vượt qua 3.000 người - những con số thậm chí được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát mạnh mẽ làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Ấn Độ. Trong đó phải kể đến biến chủng virus mới với đột biến kép có khả năng lây lan rất cao, sự nới lỏng kiểm soát của Chính phủ, và những sự kiện tôn giáo lớn khuyến khích hàng triệu người tụ tập trong các nghi thức sinh hoạt tâm linh. Và cái giá phải trả là quá đắt.
KINH TẾ SỤT TỐC VÌ COVID
Năm 2020, Ấn Độ báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 10,8% khi Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi triển khai một đợt phong tỏa quốc gia nghiêm ngặt chưa từng có để chống làn sóng Covid thứ nhất. Lần này, diễn biến phức tạp của dịch bệnh lại làm mờ đi triển vọng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Nhiều tổ chức nghiên cứu đã hoặc đang xem xét hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay. Chẳng hạn, Nomura Securities cảnh báo tình trạng phong tỏa một số bang hiện tại có nguy cơ kéo tụt GDP Ấn Độ khoảng 1% so với dự báo trước đó. Fitch Ratings ước tính thâm hụt ngân sách chính phủ tại quốc gia Nam Á sẽ tăng gần gấp đôi lên 14% GDP trong khi tỷ lệ nợ vượt mức kỷ lục 90% GDP.
Trên thị trường tài chính, Societe Generale chỉ ra rằng các nhà đầu tư quốc tế đã rút hơn 6 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ trong tháng 4 vừa qua. Cùng kỳ, đồng rupee trượt giá gần 2%.
“Đó là một thực trạng đáng buồn. Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ đang trầm trọng hơn bởi hệ thống y tế yếu kém, còn người lao động nghèo thì chật vật xoay sở để tồn tại qua ngày”, nhận định của Chiến lược gia các thị trường mới nổi Kiran Kowshik từ Ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier.
Là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với thị trường 1,4 tỷ dân (chiếm 1/6 dân số toàn cầu), cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ được dự báo sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những tác động trực tiếp nhất của cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ đến nền kinh tế toàn cầu là sự chậm trễ mở cửa biên giới.
Một chuyến bay từ New Delhi đến Hồng Kông gần đây đã ghi nhận 52 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Biến chủng virus ở Ấn Độ hiện cũng được phát hiện tại Anh và nhiều quốc gia khác.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan virus từ Ấn Độ, các Chính phủ trên toàn cầu buộc phải siết chặt công tác kiểm dịch và hạn chế di chuyển qua biên giới. Đây là tin xấu với các hãng hàng không, sân bay, ngành du lịch cùng hàng loạt lĩnh vực dịch vụ liên quan.
Tác động đáng kể thứ hai thuộc về ngành dược phẩm.
Ấn Độ sở hữu ngành công nghiệp dược phẩm lớn thứ 3 thế giới về sản lượng và thứ 11 thế giới về giá trị. 3,5% tổng kim ngạch thuốc và dược phẩm xuất khẩu trên toàn cầu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nếu nói về dược phẩm gốc, con số này lên tới 20%.
Quan trọng hơn, quốc gia Nam Á là nơi sản xuất 70% lượng vaccine cung cấp cho toàn cầu trong đại dịch Covid-19. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã được cấp phép sản xuất hàng loạt dòng vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho 64 quốc gia thu nhập thấp nằm trong chương trình phân phối vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Làn sóng dịch bệnh thứ hai hiện tại có nguy cơ trì hoãn tiến độ sản xuất và xuất khẩu vaccine của Ấn Độ, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng ở nhiều quốc gia. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát do thiếu vaccine có thể cản trở nỗ lực bình thường hóa nền kinh tế toàn cầu.
SỨC BẬT CỦA KINH TẾ ẤN ĐỘ
Ngoài ra, vai trò quan trọng của Ấn Độ trong chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu là nguyên nhân khiến Phòng Thương mại Mỹ quan ngại sự suy yếu nền kinh tế Nam Á sẽ trở thành lực cản cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Ấn Độ cũng là nguồn cung cấp lực lượng hậu cần cho nhiều hoạt động kinh tế ở Tây Âu và Mỹ; đặc biệt là lĩnh vực y tế, tài chính.
Chẳng hạn, với Vương quốc Anh, liên kết thương mại với Ấn Độ giữ vai trò đặc biệt quan trọng sau khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Boris Johnson đã hai lần lên kế hoạch công du Ấn Độ, nhưng cả hai đều bị hủy vào phút chót vì diễn biến phức tạp của đại dịch.
Mặc dù cảnh báo về gánh nặng nợ quốc gia tăng vọt nhưng các tổ chức xếp hạng vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Nam Á trong nửa cuối năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2022, khi đại dịch được kiểm soát.
Ở một kịch bản lạc quan, Fitch Ratings dự báo GDP Ấn Độ tăng trưởng bứt phá 12,8% trong năm tài khóa hiện tại. Trong một tuyên bố gần đây, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng duy trì dự báo tăng trưởng 10,5%.
Niềm tin vào sức bật của nền kinh tế giúp quốc gia Nam Á duy trì sức hút lớn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhà phân tích Frank Gill từ S&P Global nhận định: “Vấn đề đáng quan ngại của Ấn Độ là thâm hụt và nợ công cao. Tuy nhiên, từ góc độ tích cực, quốc gia này có lịch sử tăng trưởng mạnh mẽ”.
600 tỷ USD dự trữ ngoại hối mà RBI tích lũy được đánh giá là đủ để hỗ trợ các công cụ chính sách tiền tệ. Các quan chức ngân hàng Trung ương thừa hiểu việc thắt chặt túi tiền và kết thúc hỗ trợ quá sớm có thể làm tổn thương đà phục hồi kinh tế. Do đó, xu hướng nới lỏng định lượng tiếp tục được duy trì.
Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ tin tưởng nền kinh tế vẫn đang trụ vững trước làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, thể hiện ở các chỉ số sản xuất - dịch vụ ổn định trong tháng 3 trên nền tảng tăng trưởng vượt trội tiền đại dịch.