Tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế cao hơn bình quân cả nước trên 4%
Đây là thông tin tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023...
Tại phiên họp, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 6,84%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước dự ước trên 4%.
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì đà phục hồi rất tốt. Lượng khách du lịch đến tỉnh trong 9 tháng đầu năm ước đạt 2.420 nghìn lượt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 745 nghìn lượt, gấp 7,3 lần cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 106,4 triệu USD, tăng 24% so với tháng trước và giảm 40,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 82,3 triệu USD, tăng 60% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 1,86% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp tháng 9 tiếp tục có nhiều khởi sắc hơn so với tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 9 ước tăng 9,4% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng ước tăng 2,4%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 21.817 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 7.543 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, bằng 58% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 18,4% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã cấp mới 18 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 5.010 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ước giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của tỉnh Thừa Thiên Huế là 3.498,625 tỷ đồng, đạt 60,8%, xếp thứ 10/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công là 2.676,84 tỷ đồng.
Dù có nhiều điểm sáng, song sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai; một số dự án sản xuất tạo động lực mới cho ngành công nghiệp chậm đưa vào hoạt động,… đã tác động rất lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là tác động trực tiếp đến khả năng hoàn thành các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước và giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc hiện nay, như thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân. Trên lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng… đối diện khá nhiều khó khăn. Đại diện Sở Công thương Thừa Thiên Huế thông tin tại phiên họp, dù các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp khá chủ động nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi vẫn lệ thuộc vào thị trường nước ngoài. Hoạt động xuất khẩu vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Sản lượng điện trong 9 tháng điện của tỉnh cũng đạt thấp.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công và dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024.
Hiện nay đang chuẩn bị vào mùa mưa lũ, do vậy, ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu cơ sở, địa phương liên quan tập trung theo dõi, chỉ đạo thu hoạch các loại rau màu và cây trồng hàng năm, đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão. Khẩn trương rà soát, xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão; tăng cường kiểm tra các công trình, hồ đập, bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức sản xuất vụ Đông xuân 2023 - 2024.
Vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu cơ sở, địa phương tập trung đôn đốc, hỗ trợ các dự án đi vào hoạt động trong Quý IV năm 2023. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách, tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý đến công tác tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; rà soát các dự án chậm tiến độ để có giải pháp kịp thời.