Thừa Thiên Huế ngăn chặn vấn nạn "tín dụng đen"
Trước tình trạng tội phạm "tín dụng đen" hoạt động trên địa bàn ngày càng tinh vi, với phương thức, thủ đoạn mới nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có chỉ đạo "nóng" nhằm ngăn chặn, xử lý vấn nạn trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương vừa ban hành văn bản số 9274 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra tỉnh và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của các công ty, doanh nghiệp có liên quan hoạt động tài chính, cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hoạt động có liên quan “tín dụng đen”, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12 của Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 236 ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; thường xuyên nắm chắc tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, cơ sở kinh doanh có điều kiện, kịp thời phát hiện các hoạt động “tín dụng đen”, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong thời gian qua, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về phòng, chống “tín dụng đen”, trong đó đã chú trọng tuyên truyền cho công nhân, người lao động của các Công ty, doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động đóng tại các khu công nghiệp. Qua đó giúp người dân, công nhân, người lao động nắm rõ thủ đoạn, những hệ lụy khi vay tiền theo hình thức “tín dụng đen” và giải pháp phòng tránh.
Tuy nhiên, hiện tình trạng cho vay nặng lãi vẫn đang âm ỉ, tiếp diễn, nhiều người vẫn sập bẫy “tín dụng đen” của các đối tượng.
Như mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Giàu (SN 1994, trú tại phường An Cựu, TP Huế) về hành vi cho vay nặng lãi. Từ tháng 9/2021 đến ngày bị bắt, Giàu đã cho nhiều người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vay tiền dưới hình thức vay trả góp với lãi suất từ 121,67%/năm đến 456,25%/năm, qua đó thu lời bất chính hơn 110 triệu đồng.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế cũng đã bắt giữ đối tượng Lê Tuấn Lương (SN 1993, trú tại thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Thông qua các hình thức rải, dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, đối tượng Lương đã cho nhiều người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vay tiền với lãi suất từ 121,6%/năm đến 210%/năm với tổng số tiền cho vay hơn 200 triệu đồng…
Thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen” còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động.