11:41 04/10/2010

“Tăng trưởng tín dụng thiếu ổn định”

Minh Đức

“Tăng trưởng tín dụng thiếu ổn định, không những gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn gây áp lực cho việc kiểm soát CPI”

Theo tờ trình của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng bằng VND khoảng 11,2%, trong khi bằng ngoại tệ lên tới khoảng 40,1%.
Theo tờ trình của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng bằng VND khoảng 11,2%, trong khi bằng ngoại tệ lên tới khoảng 40,1%.
“Tăng trưởng tín dụng thiếu ổn định, không những gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn gây áp lực cho việc kiểm soát CPI”.

Đây là đánh giá được đưa ra tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra cuối tuần qua.

Cụ thể, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 phục vụ phiên họp trên cho rằng, thị trường tín dụng từ đầu năm 2010 diễn biến thiếu ổn định.

Sự thiếu ổn định đó được báo cáo dẫn ở mức tăng thấp, chỉ 5,58% trong 4 tháng đầu năm so với tháng 12/2009, bình quân 1,4%/tháng; và trong 5 tháng tiếp theo, tín dụng tăng 13,92%, bình quân 2,78%/tháng, riêng tháng 9 tăng khoảng 4,5%.

Mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 cũng là cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung tăng trưởng 9 tháng đạt khoảng 19,5%.

Theo kế hoạch, nếu tăng trưởng tín dụng năm 2010 tăng 25% thì 3 tháng cuối năm sẽ tăng bình quân 1,83%/tháng, Ủy ban Kinh tế dự tính.

Điểm lại trong 9 tháng qua, theo dữ liệu mà Ủy ban Kinh tế đưa ra, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm ở mức thấp, cả ở mức tăng bình quân qua các tháng. Điều này một phần được giải thích từ thay đổi lớn trong lãi suất cho vay. Bước sang năm 2010, khi không còn chính sách hỗ trợ kích cầu như trong năm 2009, doanh nghiệp vay vốn phải đối diện với lãi suất cho vay thực tế của thị trường.

Bên cạnh đó, diễn biến những năm qua cho thấy tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm thường ở mức thấp, do ảnh hưởng từ các kỳ nghỉ lễ và tính thời vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mấu chốt của tín dụng tăng trưởng thấp trong thời gian nói trên vẫn là lãi suất cao. Ngày 7/5/2010, Chính phủ đã có nghị quyết, trong đó đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay xuống 12%. Theo Ủy ban Kinh tế, đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường.

Giải thích tại phiên họp trên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói rằng lãi suất cao là khó khăn trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2004 trở lại đây. Điều này gắn với thực tế là kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, và lạm phát cao đi cùng với tăng trưởng kinh tế khiến hạ lãi suất là một bài toán khó.

Sau chỉ đạo trên của Chính phủ, đầu tháng 7, thị trường đón đợt hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại (lãi suất huy động VND từ khoảng 11,5% - 12%/năm được rút về tối đa 11,2%/năm; lãi suất cho vay có từ 12,5% - 15%/năm theo các đối tượng doanh nghiệp và chính sách ưu đãi cụ thể).

Và sắp tới, từ 15/10 này, các ngân hàng dự kiến sẽ hạ lãi suất huy động VND từ mức cao nhất 11,2%/năm xuống tối đa 11%/năm.

Tuy nhiên, những điều chỉnh trên là chưa đủ mạnh và lãi suất thực tế theo đánh giá của Chính phủ vẫn ở mức cao so với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.
 
Cũng theo đánh giá của Chính phủ, một điểm lưu ý trong thời gian qua là huy động VND của hệ thống ngân hàng tăng rất cao (khoảng 23,3% tính đến hết tháng 8), nhưng lãi suất cho vay VND không giảm, cho thấy nhu cầu VND rất lớn.

Trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng phân tích rằng tăng trưởng tín dụng nói chung là tương đối hợp lý, nhưng tăng trưởng tín dụng bằng VND là khá thấp (11,2% tính đến hết tháng 8), trong khi tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ cao. Riêng mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ lên tới khoảng 40,1% tính từ đầu năm đến hết tháng 8, theo tờ trình, cũng cho thấy một bất cập khác, dù Ngân hàng Nhà nước đã triển khai những biện pháp chặn dòng từ tháng 6.

Về đánh giá chung, Chính phủ cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng bằng VND khá thấp, lại chủ yếu tập trung vào quý 2 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn cho sản xuất trong những tháng đầu năm; mặt khác mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn tương đối cao.