06:49 01/09/2021

Sau 8 tháng, tổng dư nợ tín dụng tại Hà Nội tăng 8,3%

Nỗ lực thích ứng với đại dịch Covid - 19, huy động và tín dụng Hà Nội tăng lần lượt 9,2% và 8,3%, tính đến cuối tháng 8/2021...

Các ngân hàng cơ cấu, giãn hoãn nợ cho khách hàng để tiếp tục đẩy khoản vay mới ra nền kinh tế
Các ngân hàng cơ cấu, giãn hoãn nợ cho khách hàng để tiếp tục đẩy khoản vay mới ra nền kinh tế

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đang tích cực đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Nhiều món nợ được cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ. Nhờ vậy, khách hàng có thể tiếp cận thêm nguồn vốn tín dụng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo con số thống kê tại cơ quan này, tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 2.386 nghìn tỷ đồng, tức tăng 1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020.

Trong khi đó, tại Tp.HCM, số liệu thống kê mới chỉ đến hết tháng 7 nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đã đạt mức 5,8%. Như vậy, mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng tín dụng ở hai "đầu tàu" kinh tế vẫn tăng trưởng khá. 

Chi tiết về cơ cấu tín dụng tại Hà Nội, chủ yếu tập trung tại dư nợ cho vay, đạt 2.171 nghìn tỷ đồng, chiếm 91% trong tổng dư nợ, tăng lần lượt 1,1% và tăng 9,2% so với tháng trước và so với cuối năm ngoái. Xét về cơ cấu theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 967 nghìn tỷ đồng; dư nợ trung và dài hạn đạt 1.419 nghìn tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5-8%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Trong khi đó, hoạt động huy động vốn tại Hà Nội tăng mạnh trong tháng 8, do biến động của hoạt động phát hành giấy tờ có giá bằng VND, được ghi sổ Ngân hàng Nhà nước lên mức 360 nghìn tỷ đồng, tăng 38,6% so với tháng trước và tăng 40,3% so với thời điểm đầu năm.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn huy động của các tổng chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 4.099 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với thời điểm kết thúc năm 2020.

Cụ thể, tiền gửi VND đạt 3.327 nghìn tỷ đồng; tiền gửi ngoại tệ đạt 412 nghìn tỷ đồng; tiền gửi tiết kiệm đạt 1.520 nghìn tỷ đồng; tiền gửi thanh toán đạt 2.219 nghìn tỷ đồng. So với cuối năm ngoái lần lượt tăng 7,8%; 0,8%; 6,1% và 7,5%.

Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-02%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,8-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5-7%/năm.

Tín dụng ngân hàng tại địa bàn Hà Nội tính đến cuối tháng 8/2021 (so với thời điểm cuối năm 2020)
Tín dụng ngân hàng tại địa bàn Hà Nội tính đến cuối tháng 8/2021 (so với thời điểm cuối năm 2020)

Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57,7 nghìn khách hàng với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 178,1 nghìn khách hàng với dư nợ 254,2 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 965,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 97,7 nghìn lượt khách hàng.