14:00 18/04/2019

Tạo việc làm cho người khiếm thính

Dũng Hiếu

Tạo việc làm là mục tiêu quan trọng nhất để giúp các hội viên Hội người mù trên cả nước thoát nghèo bền vững

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn AIC Group trao tặng 1000 điện thoại và 100 triệu đồng cho Hội người mù Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn AIC Group trao tặng 1000 điện thoại và 100 triệu đồng cho Hội người mù Việt Nam.

Ngày 17/4, tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung ương Hội người mù Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam, Đinh Việt Anh đã khẳng định, tạo việc làm là mục tiêu quan trọng nhất để giúp các hội viên Hội người mù trên cả nước thoát nghèo bền vững.

Nhằm thực hiện hiệu quả "Chương trình hành động việc làm - xóa đói giảm nghèo", thời gian qua Hội người mù Việt Nam và các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm chăm lo, giúp đỡ người mù trên cả nước vươn lên hòa nhập, có cuộc sống ổn định và bình đẳng. 

Tạo việc làm là mục tiêu quan trọng nhất để giúp các hội viên Hội người mù trên cả nước thoát nghèo bền vững. Qua đó, các cấp hội đã tìm kiếm và tạo việc làm cho hội viên bằng hai mô hình sản xuất chính là kinh tế hộ gia đình và sản xuất tập trung ở các cơ sở sản xuất. Qua đó, xoa bóp tẩm quất, sản xuất thủ công và chăn nuôi, trồng trọt là các nghề được hướng đến.

Theo bà Đinh Việt Anh, các cấp hội vẫn duy trì và hoạt động tốt ở 357 cơ sở sản xuất tập trung do Hội quản lý gồm các mô hình: hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, trung tâm… cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với hơn 4 nghìn lao động từ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, văn phòng phẩm, đồ gỗ, xoa bóp bấm huyệt… Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động ngày càng tăng. Có đơn vị đã xuất khẩu sản phẩm của người mù. 

Đặc biệt, từ năm 1991, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất của tổ chức SIDA - Thụy Điển, Hội đã thí điểm cho người mù vay vốn phát triển kinh tế. "Thành công thí điểm này chính là tiền đề quan trọng tạo thuận lợi để Hội tham gia chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992", bà Đinh Việt Ánh chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, Hội người mù Việt Nam đã quản lý hơn 51,6 tỷ đồng vốn vay theo kênh Trung ương và 40 tỷ đồng kênh địa phương. Hàng vạn hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Số hộ khá, giàu tăng lên, hộ nghèo giảm dần và không có hộ tái nghèo.

"Chúng tôi sẽ cố gắng để mỗi năm giảm nghèo bền vững từ 1 đến 1,5%. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, Hội người mù các cấp sẽ chú trọng hơn về hoạt động an sinh xã hội để giúp người mù giảm bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội", bà Đinh Việt Ánh khẳng định

Đánh giá cao và biểu dương tinh thần cố gắng của tổ chức Hội và hội viên Hội Người mù Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong muốn, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến người khuyết tật…

Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên Mặt trận các cấp quan tâm tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chăm lo giúp đỡ người mù vươn lên trong cuộc sống, lập nghiệp, cải thiện và nâng cao cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Tại buổi lễ, với mong muốn chung tay cùng Đảng, Nhà nước chăm lo giúp đỡ cho những người yếu thế trong xã hội nói chung, người khiếm thị, khiếm thính nói riêng, Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC tặng 100 triệu đồng và 1.000 điện thoại thông minh đã cài đặt ứng dụng "9999 hy vọng" hỗ trợ cho người khiếm thị, khiếm thính cho Hội Người mù Việt Nam.

Theo bà Đinh Việt Anh, hiện nay nước ta có cả triệu người khiếm thị. Nhu cầu tìm hiểu thông tin, phục vụ nhiều tiện ích trong đời sống rất lớn, nhất là nhu cầu tìm hiểu tin tức, văn bản pháp luật và học tập. Tuy đã có nhiều ứng dụng cho người khiếm thị, nhưng tất cả đều rời rạc, nhỏ lẻ, khó sử dụng và mất thời gian. Phần mềm của AIC có thể hoá giải được những vấn đề trên để đưa đến một bách khoa toàn thư tổng hợp tiện ích rất dễ dùng.

Người khiếm thị, khiếm thính sử dụng điện thoại thông minh này để đọc sách, đọc truyện, nghe tin tức, học tập, đọc văn bản pháp luật, nhận biết tiền để thanh toán tiền, định vị đi lại, tìm đường, tìm cơ sở dịch vụ cần thiết ở gần nhất, nhận biết màu sắc, ghi chú công việc quan trọng trong ngày, nhắn gọi gấp người thân, dự báo thời tiết và báo những sự kiện, tin tức sẽ diễn ra...

Còn Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam Phạm Viết Thu thì chia sẻ, việc AIC tặng điện thoại thông minh cho người khiếm thính, khiếm thị một món quà thực sự ý nghĩa. Dự án 9999 hy vọng được khởi động những chặng đường đầu tiên dành cho người khiếm thính và khiếm thị ở Việt Nam làm một dự án được đánh rất cao về giá trị nhân văn.