10:39 20/10/2020

Tập đoàn Điện lực thoái vốn EVN Finance: Lịch sử “ế” có lặp lại?

KIỀU LINH

Liệu với mức giá 17.411 đồng/cổ phiếu - gấp đôi thị giá hiện tại, EVN có thoái vốn thành công 2,65 triệu cổ phiếu EVF không hay lại ế ẩm như nhiều lần trước đó?

Tập đoàn Điện lực thoái vốn EVN Finance: Lịch sử “ế” có lặp lại?
Tập đoàn Điện lực thoái vốn EVN Finance: Lịch sử “ế” có lặp lại?

Ngày 26/10 tới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá 2,65 triệu cổ phần Công ty Tài chính Cổ phần EVN (EVN Finance - EVN), tương đương với 1% vốn điều lệ thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với giá khởi điểm 17.411 đồng/cổ phần, hoàn tất toàn bộ quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này.

    VÌ SAO EVN FINANCE ĐƯỢC ĐỊNH GIÁ GẤP ĐÔI GIÁ THỊ TRƯỜNG?

2,65 triệu cổ phần EVF mà EVN mang ra đấu giá ngày 26/10 tới đây có giá khởi điểm 17.411 đồng/cổ phiếu, trong khi đó, thị giá giao dịch trên sàn chứng khoán bình quân một tháng qua là hơn 7.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá khởi điểm đấu giá đang cao gấp đôi thị giá hiện tại. Điều này chứng tỏ EVN đang định giá quá đắt EVF hay nhà đầu tư thận trọng với định giá cổ phiếu EVF?

Phương pháp mà EVN định giá EVF được xác định bằng phương pháp tài sản, phương pháp tỷ số bình quân, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức có tính đến giá trị quyền sử dụng đất. 

Cụ thể, theo phương pháp tài sản, giá trị 1 cổ phần EVF 16.342 đồng; phương pháp tỷ số bình quân xác định giá trị 1 cổ phần 13.883 đồng; phương pháp chiết khấu dòng cổ tức xác định 1 cổ phần EVF giá trị 19.575 đồng. Sau khi tính giá trị bình quân là 16.600 đồng/cổ phiếu. 

Cùng với đó, giá trị điều chỉnh bổ sung tỷ lệ 1% tối thiểu về giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hoá, lịch sử trên tổng giá trị phần vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp Nhà nước tăng thêm 2 đồng/cổ phiếu; Giá trị thương hiệu tăng thêm 89 đồng, giá trị tiềm năng phát triển tăng thêm 720 đồng. 

Với tất cả những yếu tố trên cộng lại, EVN đưa ra mức giá khởi điểm 17.411 đồng/cổ phiếu. 

Hiện, EVF đang sở hữu 631 m2 đất tại đường 30/4, phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng làm văn phòng trụ sở với giá trị sử dụng lâu dài.

Giá trị thẩm định giá cổ phần EVF theo thư thẩm định giá của Công ty TNHH Tư vấn và kiểm toán quốc tế. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính - doanh nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán nên tự định giá doanh nghiệp bằng nhiều phương pháp khác nhau để cho ra kết quả hợp lý nhất mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào phương pháp định giá của doanh nghiệp. 

Tập đoàn Điện lực thoái vốn EVN Finance: Lịch sử “ế” có lặp lại? - Ảnh 1.

Một số chỉ tiêu tài chính của EVF trong những năm gần đây.

   LỊCH SỬ “Ế” CÓ LẶP LẠI?

Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực được thành lập năm 2008 vốn điều lệ 2.649 tỷ đồng, nhiệm vụ chính lúc đó là thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chuyên nghiệp cho các đơn vị trong ngành điện và các đơn vị thành phần kinh tế khác. 

EVN là cổ đông sáng lập, tỷ lệ sở hữu ban đầu 40%, tương ứng 100 triệu cổ phiếu; cổ đông lớn thứ hai tại EVF là ABBank, tỷ lệ sở hữu 8,4%.

Kể từ khi thành lập đến nay, EVF chưa năm nào thua lỗ và kết quả kinh doanh trong những năm gần đây liên tục tăng đều. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, dù kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu EVF sau khi chào sàn mức giá 12.000 đồng đã liên tục rớt, có thời điểm tháng 7/2020 rớt xuống chỉ còn chưa đầy 6.000 đồng/cổ phiếu, giảm 50% so với giá chào sàn và chưa một lần hồi phục.

Ngày 5/12/2014, EVN bán đấu giá 25% vốn tại EVF, tương ứng 62,5 triệu cổ phiếu, với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phiếu. Kết quả, EVN bán được 58,75 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu sau đấu giá là 16,5%, tương ứng 41,25 triệu cổ phiếu.

Ðến tháng 10/2015, EVN thoái 1,5% vốn tại EVF cho đối tác thông qua giao dịch thỏa thuận, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 15%.

Theo Ðề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020 do Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn sẽ phải thoái hết vốn góp tại EVF. Do đó, ngày 18/8/2017, EVN bán đấu giá toàn bộ 37,5 triệu cổ phiếu EVF với giá khởi điểm 14.133 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cuộc đấu giá không đủ điều kiện tiến hành do hết thời hạn đăng ký và đặt cọc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá. 

Cuối quý 3/2017, EVN phải hạ giá xuống 11.654 đồng/cổ phiếu và bán thành công một nửa số cổ phiếu đang sở hữu tại EVF thời điểm đó, giảm tỷ lệ sở hữu EVF xuống còn 7,5%.

Đợt thoái vốn gần đây nhất, 23/8/2019, EVN đã đưa 18,75 triệu cổ phiếu EVF với giá khởi điểm 13.480 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá giao dịch trên sàn chứng khoán thời điểm đó chỉ rơi vào khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu.  

Kết quả, EVN chỉ bán được 16,25 triệu cổ phần cho 2 nhà đầu tư cá nhân, còn lại vẫn ế hơn 2 triệu cổ phiếu EVF và được rao bán vào lần này. 

Với mức giá 17.411 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi thị giá hiện tại 7.900 đồng, liệu EVN có thoái vốn thành công 2,65 triệu cổ phiếu EVF không hay lại ế ẩm, lỡ hẹn với Đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc EVN giai đoạn 2017 -2020 của Thủ tướng Chính phủ? 

Trước đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã hoàn tất bán ra 9,1 triệu cổ phiếu EVF, không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Điểm khác biệt giữa ABBank và EVN là ABBank chỉ bán ở mức giá 7.800 đồng/cổ phiếu, còn giá khởi điểm EVN mong muốn lại gấp đôi thị giá hiện tại.