Cổ đông VietinBank sắp được nhận cổ tức
VietinBank đang khẩn trương thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ trong thời gian sớm nhất
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ sẽ được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đây là nội dung quan trọng và đáng chú ý nêu tại Nghị định 121/2020/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành tuần trước. Thông tin này cũng đồng nghĩa VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ.
Xét riêng ở VietinBank, ngân hàng này đang lâm vào thế khó. Bởi lẽ, dư địa bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã cạn, trong khi vẫn phải đảm bảo CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) theo chuẩn Basel 2.
Hiện tại, dù đã dùng nhiều biện pháp khắc phục tạm thời như cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, điều chỉnh cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro, kiểm soát hệ số rủi ro bình quân… nhưng CAR của VietinBank vẫn rất gần với ngưỡng tối thiểu. Khéo theo việc tăng trưởng tín dụng luôn hạn chế, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Vì vậy ngay sau Nghị định 121 được ban hành, VietinBank đã nhanh chóng xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại của các năm 2017, 2018 và 2019. Ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông là 5/11 và đến hết 23/11 ngân hàng sẽ ngừng tiếp nhận ý kiến.
Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư tiếp nhận thông tin trên rất tích cực. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10, mã cổ phiếu CTG của VietinBank tăng 3,7%, dừng ở mức 31.150 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Vốn hoá theo đó đạt gần 116.000 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông Vietinbank gồm Ngân hàng Nhà nước đang nắm 64,46%, tương đương với 2,4 tỷ cổ phần của VietinBank. Ba cổ đông nước ngoài MUFG Bank, IFC Capitalization Fund và International Finance Corporation nắm lần lượt 19,7%, 3,35% và 1,64% vốn cổ phần. Công đoàn VietinBank nắm 1,15%, còn lại gần 9,7% là các cổ đông khác sở hữu.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, VietinBank lãi 7.460 tỷ đồng trước thuế, chủ yếu do chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro giảm mạnh. Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của VietinBank đạt gần 1,24 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,1% so với đầu năm.
Tổng giá trị nợ xấu (nợ nhóm 3-5) của VietinBank ở thời điểm cuối quý 2 là gần 16.000 tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 và nhóm 4 có mức tăng mạnh nhất. Quy mô nợ nhóm 3 gấp hơn 3 lần, nợ nhóm 4 gần gấp 2 lần cuối năm 2019.