07:00 05/03/2024

Tập trung chính sách trọng cầu, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024

GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Thách thức bao trùm nhưng sự khởi sắc của nền kinh tế trong hai tháng đầu năm nhen nhóm hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 2024, tạo đà hoàn thành kế hoạch 5 năm…

Chính sách tiền tệ dần cạn dư địa, chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng trong khi doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi, đành co cụm chờ thời.
Chính sách tiền tệ dần cạn dư địa, chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng trong khi doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi, đành co cụm chờ thời.

Sự kém ổn định của tình hình kinh tế thế giới và triển vọng ảm đạm từ các đối tác thương mại lớn của Việt Nam (như Mỹ, EU và Trung Quốc) chắc chắn sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP trong nước chậm lại. Tác động của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới khiến những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2024 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2023. Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 là khoảng 6-6,5%, lạc quan hơn dự báo của các tổ chức quốc tế.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây phải là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với mục tiêu tăng trưởng trung bình ở mức 6,5-7%.

KHỞI ĐẦU SUÔN SẺ NHƯNG KHÓ KHĂN VẪN BAO TRÙM

Khởi đầu suôn sẻ trong hai tháng đầu năm 2024 được kỳ vọng cả năm gặt hái kết quả thuận lợi hơn. Số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp cho thấy tính chung hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/2/2024 đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; thực hiện ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.

Cùng với đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Cả nước cũng đón thêm 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% cùng kỳ. Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng so với tháng trước và cùng kỳ, một số chỉ tiêu kinh tế trong tháng 2/2024 vẫn ghi nhận sự sụt giảm hay chững lại nhất định.

Nhìn lại những thử thách năm 2023 để điều hành chính sách hiệu quả hơn năm nay là điều cần thiết. Năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây.

Tập trung chính sách trọng cầu, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 - Ảnh 1

Trong bối cảnh nhiều rủi ro, bất ổn như kinh tế thế giới chưa hồi sức hoàn toàn sau hậu Covid-19, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp, trong khi xung đột Israel - Hamas ngày càng căng thẳng, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng năm 2023 giảm sâu so với mức 8,02% của năm 2022 và thấp hơn kế hoạch 6,5% Chính phủ đề ra.

Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng những năm trước đại dịch 2018 - 2019, lần lượt ở mức 7,47% và 7,36%. Mức tăng trưởng năm 2023 cũng chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của hai năm giai đoạn Covid-19 là 2020 và 2021. Kết quả tăng trưởng năm 2023 phản ánh rõ nét sự suy giảm sâu của các thành tố tổng cầu.

 
GS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
GS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

"Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ sản xuất và việc làm trong nền kinh tế.

Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và gây ra hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân.

Sự thiếu hụt tổng cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) kéo dài có thể dẫn đến các hạn chế trong việc tăng tổng cung và làm cho tăng trưởng kinh tế thấp".

Trong thành tố chi tiêu của tổng cầu, tích lũy tài sản tăng 4,09% (so với mức tăng 5,04% năm 2022). Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 tăng 11,2%).

Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8,9% năm 2022.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam chỉ tăng 5,4%, so với mức tăng trong năm 2022 là 13,9%. Tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước giảm từ 58,2% năm 2022 xuống còn 56,1%. Điều này phản ánh khó khăn rất lớn của khu vực tư nhân sau khi chịu tác động nặng nề và dai dẳng từ đại dịch.

Trong khi đó, động lực chi tiêu, tiêu dùng có xu hướng suy giảm. Thành tố tiêu dùng cuối cùng trong tổng cầu chỉ tăng 3,52% (so với mức tăng 7,09% năm 2022). Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

Như vậy, cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản đều tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung. Mức tăng trưởng GDP 5,05% là do chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh được cải thiện tốt hơn. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, đây là điểm nhấn đóng góp vào tăng trưởng (năm trước xuất siêu 12,1 tỷ USD), đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 6,6% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm 4,4% còn nhập khẩu giảm 8,9%.

Con số xuất siêu lớn thực chất do tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn so với tăng trưởng xuất khẩu. Theo số liệu thống kê từ nhiều năm nay, nhập khẩu cho đầu vào sản xuất chiếm 60%, nhập khẩu cho tích lũy gộp tài sản chiếm hơn 30% và nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng chỉ chiếm gần 10%. Như vậy khi tốc độ tăng nhập khẩu giảm khá sâu cũng cho thấy sản xuất đang rất khó khăn, đặc biệt ở chu kỳ sản xuất tiếp theo.

SẢN XUẤT THU HẸP CHỜ THỜI CƠ

Nhìn từ phía tổng cung, trong khi sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, với mức tăng trưởng 3,83% (so với 3,36% của năm 2022) thì ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chủ lực trong sản xuất công nghiệp, chỉ tăng 3,62%, cũng là mức tăng thấp nhất giai đoạn 2011-2023. 

Sức khỏe ngành sản xuất yếu kém trong hầu hết thời gian của năm 2023, với 10/12 tháng có Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) dưới ngưỡng 50. Kết quả chỉ số PMI trung bình của năm là thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 vào năm 2020. 

 

Chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy sản xuất nói chung thu hẹp mạnh, do đơn hàng sụt giảm, nhu cầu giảm sút cũng như tình trạng tăng giá và chi phí đầu vào gia tăng.

Bên cạnh đó, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng phản ánh nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 là gần 160 nghìn doanh nghiệp, tăng 7% so với năm 2022.

Mặc dù có tăng về số lượng, song mức độ gia tăng thấp hơn nhiều so với mức gia tăng 27,1% năm 2022.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại kinh doanh khoảng 58 nghìn doanh nghiệp, thấp hơn mức 60 nghìn doanh nghiệp năm 2022. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ làm thủ tục giải thể ở mức 89 nghìn và 65 nghìn doanh nghiệp, đều cao hơn năm 2022.

Cùng với đó, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh, tăng hơn 15 nghìn doanh nghiệp so với năm 2022, phản ánh doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh.

Đây là những doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn, kinh doanh không hiệu quả, chưa có phương án kinh doanh khả thi nên đăng ký tạm ngừng kinh doanh thay vì giải thể, để có thời gian tìm kiếm khách hàng và có phương án kinh doanh hiệu quả. Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp “thoi thóp” và trông chờ sự thay đổi từ môi trường bên ngoài để có cơ hội phục hồi.

SỨC BẬT CHO TĂNG TRƯỞNG NĂM 2024

Trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 (ngắn hạn) từ nền tăng trưởng thấp của năm 2023, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu. Các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2024 phát hành ngày 04-03-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tập trung chính sách trọng cầu, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 - Ảnh 2