Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, giá dầu giảm do mối lo nhu cầu
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (23/9), thiết lập những kỷ lục mới trong bối cảnh nhà đầu tư giữ tâm trạng lạc quan sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất vào tuần trước...
Giá dầu thô giảm vì mối lo nhu cầu sau một vài số liệu ảm đạm về kinh tế châu Âu và Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,28%, đạt mức cao chốt phiên cao chưa từng thấy 5.718,57 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 61,29 điểm, tương đương tăng 0,15%, đạt 42.124,65 điểm, cũng là một kỷ lục mới. Chỉ số Nasdaq tăng 0,14%, đạt 17.974,27 điểm.
Phiên tăng này là sự nối tiếp đà tăng của thị trường trong tuần trước. Nhà đầu tư hưng phấn sau động thái hạ lãi suất mạnh tay 0,5 điểm phần trăm của Fed vào hôm thứ Tư, đợt giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Dù giá cổ phiếu ở Phố Wall giằng co sau khi quyết định này được công bố, thị trường đã nhanh chóng khẳng định xu thế tăng trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Hôm thứ Sáu, Dow Jones đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Cả ba chỉ số đều tăng hơn 1% trong tuần, trong đó S&P 500 ghi nhận một vài kỷ lục mới.
Phiên đầu tuần, thị trường nhận được dữ liệu mới cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) S&P Global về ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng. Giới đầu tư hiện đang thận trọng với bất kỳ báo cáo kinh tế nào có thể dập tắt hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm. Một điểm dữ liệu được chờ đợi trong tuần này là báo cáo hàng tuần về số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Năm.
“Nhà đầu tư đang đưa ra các quyết định dựa trên đánh giá rằng thị trường lao động suy yếu sẽ chi phối chính sách tiền tệ của Fed. Họ rất chú trọng đến những thay đổi dù nhỏ trong các báo cáo việc làm phi nông nghiệp. Nhưng đánh giá đó có thể là sai lầm, và nếu quả thực như vậy, mức độ biến động lớn sẽ quay trở lại với giá cổ phiếu”, chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của công ty Corpay nhận định với hãng tin CNCB.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Một dòng thông tin khác được nhà đầu tư chú ý trong tuần này là phát biểu của giới chức Fed sau cuộc họp tuần trước. Phát biểu ngày thứ Hai, ba quan chức Fed nói rằng việc giảm lãi suất đó nhằm duy trì trạng thái kinh tế mà họ là khỏe mạnh và đang đi vào cân bằng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, gọi động thái nới lỏng của Fed là “đi đúng hướng”. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee nói ông kỳ vọng “có thêm nhiều đợt giảm lãi suất nữa trong năm tới”. Về phần mình, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic nói nền kinh tế Mỹ đang tiến gần tới chỗ có được tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp bình thường, và Fed cũng cần phải bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Theo chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của công ty LPL Financial, nhà đầu tư muốn thấy rằng “mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm không phải là do Fed cảm thấy phải hành động khẩn cấp, mà là vì lạm phát đang xuống thang”. “Các số liệu kinh tế đang trở nên quan trọng hơn vì định giá cổ phiếu đã tăng cao hơn”, bà Krosby nói với hãng tin Reuters.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp vào tháng 11. Trong đó, khả năng hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm là 53%, và khả năng hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 47%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,59 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 73,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,63 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 70,37 USD/thùng.
Số liệu gây thất vọng về ngành sản xuất của Mỹ và hoạt động kinh tế nói chung ở khu vực eurozone đã gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này. Báo cáo của S&P Global cho thấy hoạt động kinh tế ở khối sử dụng đồng tiền chung giảm mạnh và bất ngờ trong tháng 9, với ngành dịch vụ gần như đi ngang, trong khi lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh hơn.
Những số liệu này làm dấy lên mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đang chật vật chống lại áp lực giảm phát.
“Dòng dữ liệu kinh tế gây thất vọng từ Trung Quốc và tình trạng sụt giảm đáng ngạc nhiên của ngành sản xuất ở châu Âu đang khiến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial nói với Reuters.
Tuy nhiên, giá dầu đang được hỗ trợ bởi căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Ngày thứ Hai, Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu phiến quân Hezbollah. Gần 1 năm sau ngày cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine bùng nổ ở Gaza, Israel đang tập trung nỗ lực vào khu vực biên giới phía Bắc, nơi Hezbollah liên tục có các đợt bắn rocket vào lãnh thổ Israel nhằm ủng hộ Hamas.
Tuần trước, giá của dầu Brent và dầu WTI tăng hơn 4% mỗi loại nhờ lạc quan về việc Fed giảm lãi suất.