Giám đốc sáng tạo nào sẽ giúp Givenchy trở lại “kỷ nguyên vàng”?
Trong 10 năm qua, Givenchy đã chuyển đổi giữa ba giám đốc sáng tạo, và mỗi người chỉ tồn tại được khoảng ba năm. Khoảng thời gian đó không đủ để truyền đạt một tầm nhìn ngắn gọn và lâu dài về một nhà mốt sang trọng…
Vị trí giám đốc sáng tạo của Givenchy vẫn còn trống sau sự ra đi của Matthew Williams vào cuối năm 2023, nhưng đội ngũ nhân viên của hãng đã khởi động giai đoạn tạm thời với bộ sưu tập trang phục nam Thu – Đông 2024 trong Tuần lễ thời trang Paris và sau đó là một BST dành cho nữ.
Thương hiệu xa xỉ này đã phải chịu khủng hoảng một thời gian dài về doanh thu sau kỷ nguyên vàng Riccardo Tisci với nhiệm kỳ ba năm của hai giám đốc sáng tạo gần đây nhất.
Bắt đầu từ năm 2005 đến năm 2017, Tisci đã mang đến một bản sắc mới cho nhà mốt Pháp, không chỉ tiếp thêm sinh lực cho thương hiệu mà còn tạo dựng được danh tiếng đáng kính cho chính Tisci. Những khoảnh khắc nổi bật trong kỷ nguyên Gienchy Tisci bao gồm trang phục cho chuyến lưu diễn Sweet & Sticky Tour của Madonna, các họa tiết đồ họa phổ biến trên áo thun, váy da của Ye trong Watch the Throne Tour, trang phục trong đám cưới của Kim Kardashian và Ye và sự hợp tác với Nike Air Force 1...
Sau khi Tisci rời đi vào năm 2017, nhiều nguồn tin như WWD và The New York Times đã báo cáo rằng doanh thu bán hàng đã tăng lên 539 triệu USD. Sau sự ra đi của Tisci, Clare Weight Keller nắm quyền điều hành cho đến năm 2020, và người tiếp theo sau Keller là Matthew Williams.
Nổi tiếng với gu thẩm mỹ theo phong cách đường phố, Williams đã mang đến góc tối hơn cho nhà mốt. Givenchy của ông không thiết lập một phong cách tiêu điểm; nhà mốt chưa bao giờ khoe khoang về doanh số bán hàng rực rỡ, và nhà thiết kế cũng không khơi lại phong cách thời trang cao cấp. Vì vậy, sau ba năm đầy nghi vấn, kể từ khi ông rời đi vào cuối năm 2023, nhà mốt không có giám đốc sáng tạo và hiện vẫn trong tình trạng mờ mịt.
Mặc dù Givenchy chưa bình luận về việc họ đang xem xét ai hoặc liệu họ có đưa ra lựa chọn hay không, nhưng giới mộ điệu đã kể ra một vài cái tên trong ngành có thể có yếu tố cần thiết để lật ngược tình thế cho thương hiệu.
Cái tên nổi bật nhất là Simon Porte Jacquemus. Kể từ khi thành lập nhãn hiệu cùng tên của mình, Jacquemus đã phát triển vượt bậc trong làng thời trang nhờ phong cách lãng mạn, thoải mái, những chiếc túi xách đặc trưng và những buổi trình diễn đẹp mắt trên sàn diễn.
Mặc dù chưa rõ mục đích, nhưng vào tháng 12 năm ngoái, nhà thiết kế đã đăng một bức ảnh lên Instagram với chú thích “Chez Hubert de Givenchy”, điều này đã khiến nhiều người suy đoán về việc anh sẽ đảm nhận chiếc ghế trống.
Bên cạnh thiết kế, Jacquemus đã tạo ra một chiến lược tiếp thị đẹp đẽ, chân thực và hướng tới tương lai. Jacquemus đã chứng minh chiến lược vàng của mình đối với hoạt động tiếp thị siêu thực – từ sàn diễn màu hồng dài 500 mét nằm trong cánh đồng hoa oải hương của Pháp cho đến những chiếc mũ “La Chapeau Bomba” phóng đại cho đến cả những chiếc túi xách Bambino giống xe buýt chạy dọc đường phố Paris...
Do đó, phong cách thiết kế lãng mạn và khả năng tự chủ trong văn hóa đại chúng của Porte Jacquemus tương tự như Hubert de Givenchy cùng với khả năng tiếp thị và sự lưu loát về văn hóa của ông có thể chính là những gì mà nhà mốt Pháp cần.
Sarah Burton cũng nổi bật là ứng cử viên tiềm năng nặng ký cho vị trí lãnh đạo Givenchy. Vừa rời khỏi vai trò giám đốc sáng tạo tại Alexander McQueen mà bà đã giữ trong 13 năm, Burton vẫn là một nhà thiết kế có tay nghề cao trong ngành.
Nhà thiết kế không dùng Instagram này đại diện cho thời đại mà kỹ năng thiết kế và sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu chứ không phải kỹ năng truyền thông xã hội. Vì điều này, nếu bà Burton tới với Givenchy thì đây sẽ là lần đầu tiên thế giới thời trang chứng kiến khả năng sáng tạo của nhà thiết kế đáng kính này phát triển theo một cách mới.
Theo Ben Barry, Trưởng khoa Thời trang, Trường Thiết kế Parsons ở New York (Mỹ), thời trang cao cấp chủ yếu được sản xuất cho phụ nữ nhưng nam giới thường giữ các vị trí dẫn đầu trong những ngành này. Phân tích của tờ Financial Times về các giám đốc sáng tạo và giám đốc điều hành (CEO) của 33 thương hiệu thời trang cao cấp cho thấy, tỷ lệ nữ giám đốc sáng tạo hiện thấp hơn so với 15 năm trước.
Trong số 14 thương hiệu thuộc bộ phận Thời trang & Đồ da của LVMH, chỉ 3 thương hiệu có nữ giám đốc sáng tạo, gồm: Maria Grazia Chiuri của Dior, Camille Miceli của Pucci và Silvia Venturini Fendi của Fendi. Tập đoàn thời trang Ý OTB, chủ sở hữu của 5 thương hiệu, chỉ có một nữ giám đốc sáng tạo là Lucie Meier, người chia sẻ vai trò với chồng tại nhà mốt Jil Sander.
Prada hiện có Miuccia Prada, người đã từ chức CEO của tập đoàn và hiện giữ vai trò giám đốc sáng tạo. Trong khi đó, Burberry chưa từng có giám độc sáng tạo là nữ. Mặc dù vậy, vẫn có những thương hiệu đi ngược lại xu hướng. Chanel có 2 nữ lãnh đạo là Giám đốc sáng tạo Virginie Viard và CEO toàn cầu Leena Nair, người năm ngoái đã trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đứng đầu một thương hiệu thời trang cao cấp của châu Âu...
Hiện các nhà đầu tư kì vọng tân giám đốc sáng tạo mới của Givenchy sẽ là người “thanh lọc” máu và DNA của nhãn hàng, để hướng đến một điều gì đó mới hơn, một vị thế tương lai cho hãng. Do đó, mọi đồn đoán đang đổ dồn về việc liệu Sarah Burton sẽ bắt đầu hành trình mới tại nhà Givenchy hay không? Hoặc, xuất phát từ quan niệm coi trọng các giám đốc sáng tạo nam, nhà mốt sẽ lại mời Ricardo Tisci quay trở lại “ngai vàng” một lần nữa?
Với giới mộ điệu, việc Givenchy có một người phụ nữ lãnh đạo chắc chắn sẽ là một viễn cảnh đầy triển vọng và thú vị. Bởi, thời trang cao cấp hiện nay đang thiếu sự hiện diện của những người phụ nữ dẫn đầu hoặc nghĩ xa hơn, bà Sarah Burton với kỹ thuật cắt may đặc trưng mà vẫn giữ được tính thời trang cao cấp có thể sẽ đem lại hào quang một lần nữa cho Givenchy cùng tầm nhìn hoàn toàn mới và các BST ready-to-wear tiệm cận tới thời trang Haute Couture.
Trong lúc chờ đợi một cái tên mới được xướng lên, để cập nhật cho người đàn ông Givenchy, gần đây nhà mốt sang trọng đã giới thiệu bộ sưu tập trang phục nam “Effortless Elegance” mới. Đề cao nghệ thuật may đo, bộ sưu tập thể hiện tinh thần cốt lõi của “quý ông Givenchy” do người sáng lập hãng là Hubert de Givenchy đặt ra.
Bao gồm bộ sưu tập là những món đồ như bộ vest mềm mại, áo khoác tiện ích, áo sơ mi cài cúc áo khoác ngoài lấy cảm hứng từ trường đại học, áo dệt kim jacquard thoải mái và quần ống thẳng. Điểm nổi bật đặc biệt bao gồm áo khoác tiện ích bọc màu đen mang đến kiểu dáng bóng bẩy, bộ vest sọc nhỏ màu xanh đại dương và bộ phối đồ màu ngà cho những khoảnh khắc mùa hè sang trọng.