17:53 14/05/2024

Các quỹ đầu cơ giảm mạnh vị thế bán khống đồng yên Nhật

Điệp Vũ

Dữ liệu mới nhất từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lại Mỹ (CFTC) cho thấy các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ đã giảm 20% vị thế bán khống đồng yên...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường tài chính đang rộ lên tranh luận về mức độ thành công của cuộc can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng yên mà nhà chức trách Nhật Bản được cho là đã tiến hành gần đây. Tuy nhiên, nếu việc can thiệp là nhắm vào hoạt động đầu cơ giá xuống đồng yên, Tokyo có vẻ đã đạt mục tiêu - ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Dữ liệu mới nhất từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lại Mỹ (CFTC) cho thấy các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ đã giảm 20% vị thế bán khống đồng yên trong tuần kết thúc vào ngày 7/5. Đây là biến động hàng tuần mạnh nhất theo hướng dịch chuyển khỏi đầu cơ giá xuống đồng yên kể từ tháng 3/2020.

Sau tuần nói trên, các quỹ có thể đã xây dựng lại trạng thái bán khống yên, vì đồng yên gần đât lại giảm giá quá mức 155 yên đổi 1 USD. Và cuộc can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tuần đó của Nhật Bản ước tính tiêu tốn 23,6 tỷ USD  dự trữ ngoại hối - một cái giá không hề rẻ.

Tuy nhiên, do mức độ biến động tỷ giá tăng lên theo cả hai chiều, các quỹ có thể sẽ ngần ngại hơn với việc đưa ra những đặt cược lớn chống lại đồng yên. Họ lo ngại rằng Bộ Tài chính Nhật Bản có thể sẵn sàng can thiệp vào thị trường bất kỳ lúc nào.

Theo dữ liệu mới nhất từ CFTC, các quỹ đã giảm 33.466 hợp đồng trong vị thế bán khống đồng yên trong tuần kết thúc vào ngày 7/5, còn 134.922 hợp đồng.

Bán khống (short) là đặt cược vào sự mất giá của một tài sản, trái ngược với đầu cơ giá lên (long) là đặt cược vào sự tăng giá của một tài sản.

Tổng trị giá của trạng thái bán khống đồng yên nói trên là 10,9 tỷ USD, giảm từ mức 13,3 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 30/4 và 14,5 tỷ USD trong tuần trước đó.

Hồi cuối tháng 4, vị thế bán khống đồng yên theo dữ liệu của CFTC đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007 và cao thứ hai trong lịch sử. Đó cũng là  thời điểm mà đồng yên rớt giá xuống mức thấp nhất 34 năm, với hơn 160 yên đổi 1 USD. Đó là mức tỷ giá dẫn tới việc Tokyo được cho là đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy đồng nội tệ.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng việc Nhật Bản can thiệp “sẽ có tác dụng kéo dài nhất định” đối với tỷ giá yên, dù môi trường vĩ mô nói chung vẫn còn khá bất lợi đối với đồng tiền này.

Chuyên gia George Saravelos của ngân hàng Deutsche Bank tin rằng chừng nào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) còn cho thấy chưa vội nâng lãi suất, môi trường về cơ bản bất lợi đối với đồng yên sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Deutsche Bank cho thấy các quỹ phòng hộ tự doanh đã mua mạnh đồng yên vào hôm 29/4 và 1/5 - hai ngày mà nhà chức trách Nhật được cho là đã bán ra USD để đưa đồng yên hồi phục khỏi mức đáy kể từ năm 1990.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 4, BOJ dường như đã đưa ra một lập trường cứng rắn hơn, theo biên bản ghi lại ý kiến của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại cuộc họp đó. Bởi vậy, giới quan sát không loại trừ khả năng tháng 7 hoặc thậm chí tháng 6 sẽ là lúc BOJ có đợt nâng lãi suất thứ hai sau đợt nâng lịch sử hồi tháng 3.

Dù vậy, các chỉ số kinh tế Nhật Bản công bố gần đây thiếu sự đồng nhất, với tiêu dùng tháng 3 giảm tháng thứ 13 liên tiếp. Một số nhà phân tích cho rằng Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã đưa ra một quan điểm bớt cứng rắn hơn trong một bài phát biểu vào tuần vừa rồi.

Việc các quỹ giảm vị thế bán khống đồng yên trong tuần kết thúc vào ngày 7/5 đã dẫn tới việc giảm vị thế đầu cơ giá lên đồng USD, theo dữ liệu của CFTC. Tổng trị giá đầu cơ giá lên đồng USD so với các đồng tiền trong nhóm tiền tệ G10 đã giảm còn 27,7 tỷ USD, từ mức 32,7 tỷ USD trong tuần trước đó và mức cao nhất 5 năm là 36,3 tỷ USD trong tuần trước đó nữa.