Xu hướng du lịch và lưu trú mới của du khách Việt
Theo nghiên cứu Xu hướng Du lịch Toàn cầu (GTI) 2023, thế hệ Z và các gia đình có trẻ em là nhóm đối tượng chính làm nên sự bùng nổ du lịch nội địa Việt Nam. Nhìn về tương lai, 41% người tiêu dùng Việt Nam đã lên kế hoạch du lịch trong 6 tháng tới…
Các gia đình có con nhỏ và thế hệ Silver (trên 60 tuổi) là nhóm đi du lịch giải trí nhiều nhất, trung bình 2,4 chuyến trong năm ngoái. Ngoài ra, với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng, người tiêu dùng Việt đang bắt đầu thực hiện nhiều chuyến đi trong nước và quốc tế hơn, nhằm tìm kiếm cơ hội gắn kết và những trải nghiệm khó quên.
Nghiên cứu Green Shoots Radar mới nhất của Visa, được thực hiện trực tuyến hồi tháng 1 với 8.400 người tiêu dùng ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), bao gồm 500 người tiêu dùng Việt Nam ở độ tuổi 18 - 65. Báo cáo hàng quý này cho thấy, 40% du khách Việt Nam có xu hướng đặt vé máy bay trực tiếp từ trang web của các hãng hàng không.
Với việc đặt chỗ lưu trú, 49% người dùng thanh toán qua ví điện tử, trong khi 29% sử dụng thẻ tín dụng. Thị hiếu tiêu dùng này cũng được ghi nhận đồng bộ trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi người tiêu dùng đang ưu tiên lựa chọn đặt vé máy bay trực tiếp thông qua các trang web của hãng hàng không, cũng như đặt chỗ ở và thanh toán trước bằng thẻ tín dụng.
Trong khi đó, Booking.com mới đây đã chia sẻ những thông tin từ Báo cáo Triển vọng Nhà nghỉ dưỡng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Báo cáo đã khảo sát 11.000 chủ nhà và khách du lịch tại APAC, từ đó tiết lộ các xu hướng đang thịnh hành trong phân khúc nhà cho thuê ngắn hạn từ bảy quốc gia thuộc Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, khảo sát được lấy ý kiến từ hơn 1.000 người Việt Nam trên 18 tuổi. Theo đó, mỗi thế hệ và nhóm khách du lịch với đặc điểm nhân khẩu học khác nhau tại Việt Nam đều có những xu hướng, ưu tiên và mong muốn đặc thù và đa dạng.
Đối với Gen X, giá cả hợp lý và không gian sạch sẽ là yếu tố được ưu tiên hàng đầu, với hơn nửa nhóm người tham gia khảo sát (53%) thể hiện sự yêu thích về nơi lưu trú có giá cả phải chăng và sạch sẽ (43%). 29% người tham gia khảo sát đồng ý nơi lưu trú sát bờ biển hoặc có đường dẫn ra biển tại Việt Nam là yếu tố quan trọng để một ngôi nhà nghỉ dưỡng trở nên độc đáo hơn đối với thế hệ Gen X.
Ngược lại, thế hệ Millennials lại mong muốn trải nghiệm một kỳ nghỉ toàn diện, cân bằng giữa yếu tố giá cả hợp lý (57%), sự an toàn (54%) và sự tiện lợi của các điểm tham quan địa phương (53%). Millennials cũng là thế hệ thích khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ. Do đó, một ngôi nhà nghỉ dưỡng gần biển hoặc hoặc có đường dẫn ra biển (25%), có hồ bơi và khu vực BBQ (24%), hay tọa lạc trên đồi hoặc núi, khu vực ít dân cư sinh sống (23%), đều là những khía cạnh góp phần làm cho một ngôi nhà nghỉ dưỡng ở Việt Nam trở nên đặc biệt thu hút đối với họ.
Trong khi đó, Gen Z lại có thiên hướng chọn những nơi an toàn và độc đáo, thế hệ này có xu hướng lựa chọn những địa điểm thân thiện với thú cưng (18%), sự mới lạ của các ngôi nhà nhỏ (30%) và trải nghiệm khám phá với những chuyến glamping (dịch vụ cắm trại cao cấp, nhiều tiện ích) (24%). Yếu tố an toàn (47%) cũng có vai trò quan trọng nhất khi thế hệ này tìm kiếm nhà nghỉ dưỡng, tương tự như Gen X và Millennials, Gen Z cũng đề cao tính minh bạch về giá cả, không có chi phí ẩn hoặc phí dịch vụ bổ sung (46%).
Nhìn chung, tất cả thế hệ đều có nhu cầu chung về tính minh bạch và đáng tin cậy của những nơi lưu trú trong kì nghỉ, tùy vào kỳ vọng và sở thích du lịch của từng cá nhân, mỗi người sẽ tìm kiếm cho mình một nơi với những đặc điểm riêng biệt.
Ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam chia sẻ: “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã quan sát và nhận thấy nhu cầu lưu trú tại các căn nhà nghỉ dưỡng đang có xu hướng tăng trưởng, những nét chấm phá độc đáo của mô hình này là điều hấp dẫn khách du lịch. Hiện nay, khách du lịch quan tâm đến nhiều yếu tố khác hơn chỉ là một nơi để ở; họ khao khát tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân hóa, phù hợp với sở thích riêng của mình…”
Trong bối cảnh ngành hàng không đang thiếu máy bay, giá vé máy bay được dự báo khó hạ nhiệt. Để ứng phó, các doanh nghiệp du lịch đang xoay trở, chuyển hướng sản phẩm, dịch vụ, liên kết các phương tiện vận chuyển từ ô tô, tàu lửa tới máy bay. "Rất nhiều doanh nghiệp năm nay đã đẩy mạnh tour chặng ngắn từ TP.HCM tới các điểm đến trong khu vực Đông Nam Bộ hay các tỉnh ĐBSCL. Cùng với ô tô, tour cũng kết hợp đi tàu lửa, về máy bay hoặc ngược lại, vừa thêm sự lựa chọn vừa giảm chi phí tour cho du khách," bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM nói.
Cùng với đó, du lịch tự túc đang trở thành xu hướng. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức phục vụ phù hợp nhằm hút khách cũng như tăng doanh số. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng phát triển dịch vụ "free and easy" (vé máy bay và phòng khách sạn) chất lượng tốt kèm theo chi phí thỏa đáng.
Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy chia sẻ, để phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ nhưng không mua tour trọn gói, đơn vị đã làm việc với đối tác khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng… để có giá dành riêng cho khách lẻ đặt phòng với mức tương đương khách đoàn. “Hiện nay, trang web của công ty đã có hai mục mới để khách đặt hàng là dịch vụ khách sạn và gói dịch vụ khách sạn, gồm gói khách sạn – vé máy bay, khách sạn – xe. Vietravel cũng đã tổ chức tour cho các nhóm nhỏ, đi theo ngày yêu cầu của khách và có thể tự điều chỉnh chương trình, dịch vụ theo sở thích”, ông Phạm Văn Bảy chia sẻ.
Mặc dù các doanh nghiệp đã đa dạng cách thức thu hút khách, tuy nhiên theo các chuyên gia, để có thể đáp ứng mọi yêu cầu của du khách và phát triển du lịch nội địa, chúng ta cần cái “bắt tay” kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành với đơn vị cung ứng dịch vụ qua đó đưa ra mức giá hợp lý nhất cho khách hàng.