Tên mới của McDonald’s ở Trung Quốc bị chê tơi tả
“Đế chế” đồ ăn nhanh Mỹ mới đây đã chính thức thay đổi tên gọi tại thị trường Trung Quốc
Tên mới của McDonald’s tại Trung Quốc đã trở thành đối tượng châm biếm của nhiều cư dân mạng nước này.
Trang CNN Money cho biết, "đế chế" đồ ăn nhanh Mỹ mới đây đã chính thức thay đổi tên gọi tại thị trường Trung Quốc. Tên gọi mới của hãng tại Trung Quốc là Jingongmen - dịch "thô" là "mái vòm vàng", thay vì Maidanglao - phiên âm tiếng Trung Quốc của từ McDonald’s - trước đây.
Tên gọi mới tiếp tục được gắn kèm với logo McDonald’s để giúp người tiêu dùng Trung Quốc dễ dàng nhận diện. Tuy nhiên, vụ đổi tên này bị nhiều cư dân mạng Trung Quốc xem là "buồn cười".
Tên mới của McDonald’s ở Trung Quốc "nghe như tên một cửa hàng đồ nội thất. Các bạn có chắc là đồ ăn ở đó ăn được không?" tài khoản LEON0221 đặt câu hỏi vui trên mạng xã hộiWeibo.
Một người dùng Weibo khác có tên Magellandechuan nói tên gọi mới khiến cho McDonald’s giống như một công ty quốc doanh già nua và "không phù hợp với một thương hiệu nước ngoài". Một số khác phàn nàn rằng tên gọi này "quê mùa", lạc hậu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chê tên gọi mới của McDonald’s ở Trung Quốc. Một người dùng Weibo nói những người phản đối tên gọi này nên tìm hiểu thêm về lịch sử của hãng, chẳng hạn xem bộ phim "The Founder" - một bộ phim của Hollywood về cuộc đời Ray Kroc, nhà sáng lập McDonald’s, để hiểu về tầm quan trọng của mái vòm màu vàng - biểu tượng quen thuộc của hãng này.
Vụ đổi tên này diễn ra sau khi công ty mẹ của McDonald’s năm nay bán phần lớn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cho một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc với giá hơn 2 tỷ USD.
Các thương hiệu phương Tây vẫn thường gặp khó khi chọn một cái tên Trung Quốc cho thương hiệu của họ nhằm thu hút người tiêu dùng ở nước này. Tên của hãng đồ uống Coca-Cola ở Trung Quốc là Ke kou ke le, nghĩa là "ngon và vui". Công cụ tìm kiếm Google có tên Trung Quốc là Gu ge, dịch là "bài ca thu hoạch".
Tuy nhiên, không phải thương hiệu nước ngoài nào cũng chọn được tên gọi Trung Quốc có ý nghĩa như trường hợp Coca-Cola và Google. Trang đặt phòng trực tuyến Airbnb chọn tên gọi Aibiying cho thị trường Trung Quốc, nghĩa là "đón chào nhau bằng tình yêu". Cái tên này nghe cũng có vẻ ổn, nhưng nhiều người Trung Quốc phàn nàn rằng cái tên nghe kỳ cục và khó phát âm.
McDonald’s có mặt ở Trung Quốc từ thập niên 1990 và hiện có khoảng 2.500 cửa hiệu ở nước này. Hãng dự kiến mở thêm 2.000 cửa hiệu nữa ở Trung Quốc trong vòng 5 năm tới.