08:15 10/04/2007

Thả nổi giá xăng dầu: “Phải tính chuyện chống liên minh độc quyền”

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 9/4

"Chúng tôi sẽ bàn tính với doanh nghiệp về cách thức điều chỉnh giá để thị trường không quá biến động".
"Chúng tôi sẽ bàn tính với doanh nghiệp về cách thức điều chỉnh giá để thị trường không quá biến động".
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 9/4.

Thưa Bộ trưởng, việc quản lý thị trường xăng dầu theo cơ chế mới sẽ được thực hiện như thế nào để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng?

Đây là vấn đề rất lớn và nhạy cảm. Vì vậy, Bộ Thương mại sẽ phải tổ chức hai cuộc họp bàn: thứ nhất là giữa Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối để thống nhất đưa ra những nguyên tắc về những quyền của doanh nghiệp được làm, kể cả những tình huống như giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến hay doanh nghiệp bắt tay liên minh độc quyền.

Cùng với việc để doanh nghiệp được tự định giá, các cơ quan chức năng cũng bàn biện pháp để kiểm soát việc doanh nghiệp tăng giá không đúng và phải có biện pháp để chống đầu cơ.

Sau khi thống nhất trên nguyên tắc, đích thân Bộ trưởng Thương mại sẽ chủ trì một cuộc họp báo qua mạng (www.mot.gov.vn) để người dân và doanh nghiệp có thể tìm hiểu về vấn đề này.

Những nguyên tắc nào sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu, thưa Bộ trưởng?

Việc thống nhất nguyên tắc với Bộ Tài chính và doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu rất quan trọng. Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh thuế theo cơ chế mới thế nào bởi để doanh nghiệp quyết định giá thì thuế phải điều chỉnh theo một nguyên tắc.

Ví dụ, giá dầu thô thế giới tăng lên bao nhiêu thì phải giảm thuế, nếu không, doanh nghiệp sẽ tăng giá ào ào, người dân không thể chịu nổi. Định ra nguyên tắc thuế để tránh tình trạng “cãi nhau lằng nhằng” khi giá xăng dầu thế giới biến động, Bộ Tài chính sợ thất thu ngân sách còn Bộ Thương mại lại sợ ảnh hưởng đến tăng chỉ số giá tiêu dùng…

Thứ hai, phải định ra nguyên tắc tăng giá theo kiểu nào. Nói là giao cho doanh nghiệp định giá nhưng vẫn phải quản lý, doanh nghiệp phải đăng ký. Rồi còn vấn đề chống liên minh độc quyền, nếu 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu bắt tay liên minh độc quyền là không thể được.

Doanh nghiệp tự điều chỉnh giá, có nghĩa là giá bán lẻ xăng dầu có thể thay đổi theo từng ngày. Theo Bộ trưởng, việc thay đổi này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân?

Chúng tôi đã tính đến khả năng này. Theo đó, về cơ bản, doanh nghiệp vẫn phải tính lỗ lãi cả năm chứ không nên chạy theo giá thị trường. Hôm nay có thể lỗ nhưng giá xăng dầu thế giới có đứng yên đâu, có thể xuống ngay sau đó.

Nên đừng vội chạy theo, bởi hôm nay điều chỉnh, mai giá xăng dầu thế giới xuống lại phải xuống theo. Nên cố gắng lấy lúc lãi bù lúc lỗ chứ không nên chạy theo một cách đơn giản. Giá theo giá thị trường nhưng không phải cứ điều chỉnh theo mọi biến động trên thị trường.

Chúng tôi sẽ bàn tính với doanh nghiệp về cách thức điều chỉnh giá để thị trường không quá biến động.

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá xăng dầu đang đứng ở mức cao và Liên bộ Tài chính – Thương mại cũng đã có phương án tăng giá, giảm thuế. Nhưng với việc ra đời của Nghị định 55, liệu giá xăng dầu có được điều chỉnh theo cơ chế cũ?

Theo tôi, từ nay đến khi nghị định mới có hiệu lực, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không điều chỉnh giá xăng dầu. Hiện nay, chúng tôi đang tính cả biện pháp chống đầu cơ vì chắc chắn người ta sẽ nghĩ rằng, từ nay đến khi nghị định mới có hiệu lực, ít nhất là 15 ngày tới, giá xăng dầu sẽ tăng. Vì vậy, phải có biện pháp chống. Doanh nghiệp mà đầu cơ là chết!

Bộ trưởng đã từng nói, cần hình thành đồng bộ yếu tố thị trường, trong đó có việc thả nổi giá xăng dầu?

Khi đã hội nhập, chúng ta cần hình thành đồng bộ yếu tố thị trường và xóa bỏ bao cấp. Khi giá đúng thì hạch toán của doanh nghiệp, của người dân và cả nền kinh tế mới đúng được. Hơn nữa, giá đúng và nhà nước không bù lỗ thì tiêu dùng mới tiết kiệm được.

Việc chúng ta bao cấp cho cả mazut và diesel như hiện nay là chúng ta đang bao cấp cho cả nước ngoài, vì các doanh nghiệp nước ngoài tiêu dùng mazut rất lớn. Tuy nhiên, giá mazut và diesel tác động rất lớn tới sản xuất nên dễ bị sốc và làm đảo lộn mặt bằng giá.

Vì vậy, việc “thả nổi” giá phải có lộ trình. Cuối năm 2007 sẽ bỏ trợ cấp mazut và sang đầu năm 2008 bỏ trợ cấp diezsel. Như vậy mới có mặt bằng giá tốt được.

Một lý do khác cần “cởi trói” cho doanh nghiệp là ngành xăng dầu đòi hỏi kinh doanh với vốn lớn.

Cá nhân tôi cũng đang có “mâu thuẫn” rất lớn, bởi hiện nay trong cam kết hội nhập chúng ta không mở cửa thị trường xăng dầu; nhưng biết đâu do yêu cầu phát triển, trong vòng 5 - 10 năm nữa, chúng ta có thể mở cửa thị trường xăng dầu và nếu mở cửa như vậy sẽ hình thành rất nhiều công ty xăng dầu “con”; đồng thời cũng có nhiều doanh nghiệp bị xóa sổ.

Tôi rất muốn ngành xăng dầu không độc quyền nhưng cần có một số hãng đủ lớn, đủ sức cạnh tranh. Với một lĩnh vực quan trọng như xăng dầu mà không tích tụ để có những doanh nghiệp lớn thì sẽ rất khó để phát triển lành mạnh.