Thái Lan đang “kiếm đậm” nhờ xuất khẩu lương thực, thực phẩm
Thái Lan, một quốc gia xuất khẩu lớn các mặt hàng lương thực-thực phẩm như đường, thịt gà và gạo, được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều trong bối cảnh nhiều nước khác ở khu vực châu Á hạn chế xuất khẩu nông sản để bảo vệ nguồn cung trong nước giữa lúc giá tiêu dùng leo thang...
Theo hãng tin Bloomberg, Malaysia mới đây đã áp lệnh cấm xuất khẩu thịt gia cầm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường sau khi đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại lương thực gia tăng này, và tình trạng giá lương thực-thực phẩm tăng cao trên toàn cầu, được xem là tin tốt đối với các nhà sản xuất ở Thái Lan. Quốc gia Đông Nam Á này đang có những vụ thu hoạch bội thu trong trong năm 2022, sau mấy năm hạn hán liên miên. Tỷ giá đồng Baht giảm xuống mức thấp nhất 5 năm vào đầu tháng cũng giúp cho hàng hoá xuất khẩu của Thái Lan cạnh tranh tốt hơn.
Giá lương thực-thực phẩm toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, khi sự phục hồi kinh tế từ đại dịch diễn ra đồng thời với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nhân tố gây đảo lộn các dòng chảy hàng hoá nông sản. Xuất khẩu lương thực-thực phẩm của Thái Lan trong năm nay có khả năng vượt qua mức dự báo đưa ra hồi tháng 1, lập kỷ lục 1,2 nghìn tỷ Baht, tương đương 35 tỷ USD – theo dự báo mới nhất của Viện nghiên cứu Lương thực Quốc gia (NFI) có trụ sở ở Bangkok.
“Nếu chiến tranh và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực-thực phẩm tiếp diễn, giá lương thực-thực phẩm giữ ở mức cao, chúng tôi sẽ hưởng lợi”, ông Sirivuthi Siamphakdee, một Giám đốc của công ty mía đường Kaset Thai International Sugar Corp., phát biểu. “Khó có chuyện Thái Lan rơi vào tình trạng thiếu lương thực-thực phẩm như nhiều quốc gia khác vì Thái Lan là nhà bếp của thế giới”.
Thai Sugar Millers Corp., một tổ chức hiệp hội của ngành công nghiệp mía đường Thái Lan, dự báo xuất khẩu đường của nước này sẽ tăng ít nhất 40% trong niên vụ 2021-2022. Giá đường trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 25% trong năm nay, và việc Ấn Độ mới đây đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu đường có thể thúc đẩy xu hướng tăng này. Theo ông Sirivuthi, các công ty sản xuất đường Thái Lan đang trì hoãn việc ký hợp đồng tương lai cho vụ này vì muốn đợi giá tăng cao hơn.
Xuất khẩu gạo, loại nông sản xuất khẩu số 1 của Thái Lan, được Chính phủ nước này dự báo sẽ đạt ít nhất 5 triệu tấn trong năm nay, mức cao nhất 4 năm. Trong vòng 1 năm qua, giá gạo giao sau tại thị trường Chicago, Mỹ đã tăng khoảng 30%.
Nhu cầu mua gạo Thái Lan đang rất sôi động, nhất là từ Iraq, nhưng xu hướng tăng giá gạo có thể khiến khách mua nán lại – theo ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan. Đến hiện tại, chưa có quốc gia nào hạn chế xuất khẩu gạo, nhưng thương mại gạo cần được theo dõi chặt chẽ - ông Chookiat nói.
Thịt gia cầm là mặt hàng xuất khẩu mang về doanh thu nhiều thứ hai cho Thái Lan, chỉ sau gạo. Lệnh cấm xuất khẩu thịt gia cầm của Malaysia có thể là một “cú huých” cho Thái Lan. Hiệp hội Chế biến thịt gà xuất khẩu Thái Lan dự báo khối lượng xuất khẩu có thể đạt 950.000 tấn trong năm nay, từ mức 930.000 tấn trong năm ngoái.
Charoen Pokphand Foods Pcl, công ty chế biến thịt thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Thái Lan Chearavanont, đang ở vào một vị thế mạnh để nắm bắt sự phục hồi của nhu cầu sau đại dịch – nhà phân tích Soon Wei Siang của RHB Research Institute nhận định trong một báo cáo.
“Châu Âu và Nhật Bản có nhu cầu rất lớn đối với thịt gia cầm của Thái Lan khi các nền kinh tế này bắt đầu nới các hạn chế” chống Covid – ông Kukrit Arepagorn, một quan chức Hiệp hội Chế biến thịt gà xuất khẩu Thái Lan, phát biểu. Tuy nhiên, nhu cầu của Trung Quốc là một mối lo, vì nước này vẫn đang phong toả nhiều địa phương để chống Covid và thanh tra ngặt nghèo hàng hoá nhập khẩu.