12:09 23/05/2014

Thái Lan: Đảo chính, ngai vàng và hai tầng lớp trung lưu

An Huy

Cuộc đảo chính thứ 12 ở Thái Lan kể từ năm 1932 cho thấy tình trạng xấu của nền dân chủ cũng như quyền lực suy giảm của vương triều

Cuộc đảo chính năm 2006 ở Thái Lan có sự hậu thuẫn của nhà vua. Tuy 
nhiên, cuộc đảo chính lần này không hề tìm kiếm sự cho phép của hoàng 
gia - Ảnh: AP
Cuộc đảo chính năm 2006 ở Thái Lan có sự hậu thuẫn của nhà vua. Tuy nhiên, cuộc đảo chính lần này không hề tìm kiếm sự cho phép của hoàng gia - Ảnh: AP
“Tôi đã quyết định tiếm quyền”, Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố hôm 22/5, trước đại diện các phe phái chính trị của nước này. Có vẻ như vị tướng này đã cảm thấy chán ngán với bất ổn chính trị liên miên ở Thái Lan suốt những năm qua.

Theo tờ The Diplomat, nền dân chủ của Thái Lan đã rơi vào trì trệ từ năm 2006 khi quân đội nước này thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ vị Thủ tướng được lòng dân nhưng gây nhiều tranh cãi Thaksin Shinawatra. Giới chuyên gia đánh giá, các nhà lãnh đạo Thái Lan sau cuộc đảo chính 2006 đã không thể đặt hòa giải dân tộc thực sự lên trên cuộc xung đột đảng phái.

Bởi vậy, Thái Lan bị rơi vào một “vùng xám” giữa một bên là dân chủ mất hiệu lực và một bên là vương quyền suy yếu.

Những người ủng hộ dân chủ tuyển cử - những người đưa ông Thaksin vào ghế Thủ tướng - đã rơi vào thế đối đầu với những người ủng hộ hoàng gia muốn những nhân vật quyền lực truyền thống kiềm chế ảnh hưởng của vị cựu Thủ tướng lưu vong.

Bên cạnh cuộc chiến giữa các nhà lãnh đạo muốn giành thế thượng phong trước khi diễn ra cuộc chuyển giao ngai vàng ở Thái Lan, còn có một cuộc chiến giữa những người thuộc tầng lớp trung lưu ở nước này. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở các tỉnh ở Thái Lan - vốn hàm ơn các chính sách phân phối lại thu nhập và tăng cường tiếp cận thị trường của cựu Thủ tướng Thaksin - xung đột với tầng lớp trung lưu lâu đời ở Bangkok - vốn hưởng lợi từ sự gắn bó với vương triều và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản do phe hoàng tộc thúc đẩy suốt nhiều thập kỷ thủ đô.

Dần dần, tất cả các cơ quan nhà nước của Thái lan bị lôi kéo vào cuộc xung đột chính trị và chịu ảnh hưởng của các đảng phái. Trong đó, tòa án Thái Lan nghiêng về phe đối lập với Thaksin và đóng vai trò tích cực trong việc loại bỏ các chính phủ gần gũi với cựu Thủ tướng này. Gần đây nhất, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết buộc Thủ tướng Yingluck, Shinawatra, em gái của Thaksin, phải từ chức.

Sự can thiệp một phía của tòa án vào chính trị như vậy đã dẫn tới những cáo buộc về “hai tiêu chuẩn” và sự mất mát niềm tin vào luật pháp trong hàng ngũ những người ủng hộ Thaiksin. Tuy nhiên, chính tòa án Thái Lan lại không làm được gì để giải quyết thế bế tắc chính trị ở nước này.

Trong bối cảnh như vậy, vụ đảo chính quân sự vừa diễn ra ở Thái Lan có lẽ chỉ là một dấu hiệu nữa cho thấy nền dân chủ ở nước này đã mất hiệu lực tới mức nào. Bên cạnh đó, bằng cách thiết quân luật trên toàn quốc và thực hiện đảo chính, Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth không chỉ đặt nền dân chủ Thái Lan vào trạng thái thạm dừng, mà đây còn là một động thái “qua mặt” nhà vua.

Theo luật của Thái Lan, việc áp dụng tình trạng thiết quân luật trên toàn bộ vương quốc chỉ có thể do nhà vua tuyên bố. Bởi vậy, hành động của tướng Prayuth cho thấy, không chỉ nền dân chủ của Thái Lan đang chịu sức ép. Với sự rời xa dần dần của vua Bhumibol khỏi chính trường, có thể xem như ngai vàng của nước này đang bị đặt lên bàn đàm phán.

Cuộc đảo chính năm 2006 ở Thái Lan có sự hậu thuẫn của nhà vua. Tuy nhiên, cuộc đảo chính lần này không hề tìm kiếm sự cho phép của hoàng gia. Trên thực tế, bằng cách loại bỏ chính phủ tạm quyền của đảng Phuea Thai thân Thaksin, tướng Prayuth có lẽ đã “vô hiệu hóa” một nhân vật hoàng gia quan trọng: Thái tử Vajiralongkorn, người nổi tiếng thân cận với Thaksin.

Một điều thú vị là, Thái tử Vajiralongkorn mới đây được trao quyền chỉ huy một trung đoàn bộ binh quan trọng chiến lược của Thái Lan. Ông cũng giữ một ghế trong Hội đồng Quốc phòng của nước này. Bởi thế, có vẻ như xung đột bên trong quân đội Thái Lan và giữa các phe phái đối nghịch trong hoàng gia nước này sẽ nổi lên trong vài tuần tới đây.

Nếu kết quả của cuộc đảo chính quân sự lần này ở Thái Lan là quân đội đơn phương bổ nhiệm một tân thủ tướng không được phe Thaksin chấp nhận, thì căng thẳng có thể leo thang lên mức cao hơn. Tuy nhiên, dự báo u ám như vậy là không phù hợp với khả năng có được những thay đổi tiến bộ trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Thay vì xem Thái Lan có thể rơi vào những tình trạng bất ổn nghiêm trọng hơn, cũng có thể dự báo tình hình hiện nay sẽ mở ra một cuộc đàm phán cho những thay đổi lớn và tích cực trong cấu trúc nhà nước của quốc gia này.

Sức khỏe của nhà vua Bhumibol đang ngày càng yếu đi. Theo The Diplomat, cùng với đó, vai trò lãnh đạo của vị vua này đối với đất nước Thái Lan cũng không còn là một nguồn lực hậu thuẫn cho những ai đã trở nên hưng thịnh dưới sự cai trị của ông. Nỗi lo sợ bị mất những đặc quyền không dễ có được vào tay tầng lớp dân nghèo ở nông thôn là có thật đối với những nhân vật ở phe hoàng gia, một phần quân đội và nhiều người trung lưu ở Bangkok. Thái tử Vajiralongkorn, người có một quá khứ gây tranh cãi, khó có thể đạt được sự nể trọng cao như vua cha.

Sau khi kế vị, Thái tử Vajiralongkorn có thể sẽ không đủ khả năng để hậu thuẫn sự phát triển tư bản thiếu bình đẳng mà ở đó, người dân Thái Lan ở các vùng nông thôn hầu như không được hưởng lợi ích. Những thay đổi trong nguyện vọng của người dân và một “chủ nghĩa tư bản tinh thần Thái Lan” đã dẫn tới tình trạng rời xa dần những giá trị tôn giáo vốn là nền tảng vững chắc cho sự cai trị của nhà vua Bhumibol. Thái Lan đang buộc lòng phải đối mặt với những chuyển biến lớn đó. Một khi nhà vua băng hà, không loại trừ khả năng tương lai của Thái Lan sẽ rơi vào sự tranh giành của các phe phái.

Các phe phái ở Thái Lan đang bắt đầu đàm phán. Đây là một quá trình không dễ dàng, và khả năng xảy ra đổ máu là có thật, nhưng sự thỏa hiệp vẫn có thể đạt được cho dù quân đội đứng ra làm trung gian. Hôm thứ Tư tuần này, dưới sự giám sát của tướng Prayuth, các phe đối lập đã có vòng đàm phán đầu tiên. Cuộc đảo chính đã diễn ra sau vòng đàm phán thứ hai vào ngày thứ Năm có thể khiến tình hình xấu đi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng Thái Lan rốt cục sẽ nhận ra rằng, với sự suy giảm ảnh hưởng của vương triều, chỉ có dân chủ và một nền kinh tế thị trường tự do và bình đẳng mới có thể tạo nền tảng cho tương lai thịnh vượng.

Những người theo trường phái bảo thủ của Thái Lan cần hiểu được những nguyện vọng chính đáng của tầng lớp trung lưu mới nổi và người nghèo ở các địa phương xa xôi. Trong khi đó, phía đối lập cần hiểu được nỗi lo sợ của những người thuộc tầng lớp trung lưu lâu năm, giới quyền lực truyền thống và những người phản đối Thaksin khác về nguy cơ mất đi tiếng nói chính trị trong một hệ thống mà các nhu cầu của đại đa số quần chúng chiếm vị trí thống lĩnh.

Nếu cuộc đàm phán diễn ra thành công và nếu Thái Lan tránh được những cuộc đổ máu tiếp theo, nước này sẽ sớm bước vào một giai đoạn chuyển mình tích cực. Còn nếu thất bại, hậu quả sẽ là rất lớn.