09:02 09/08/2007

Thâm nhập thị trường Nhật: Khó ở cách thức!

Thùy Trang

Thời gian vừa qua, nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật đã bị trả lại

Theo các chuyên gia Nhật Bản, trên thực tế, Việt Nam mới chỉ là bạn hàng nhỏ của Nhật Bản.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, trên thực tế, Việt Nam mới chỉ là bạn hàng nhỏ của Nhật Bản.
Hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng chinh phục thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, cách thức tiếp cận với thị trường này của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

>>“Muốn xuất sang Nhật, phải nhập gia tùy tục”

Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập thành công và đứng vững trên thị trường Nhật Bản là câu hỏi lớn được đặt ra tại hội thảo “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam -Nhật Bản” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội.

Thị trường Nhật Bản từ trước tới nay vẫn là một thị trường có nhiều hứa hẹn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nổi tiếng khó tính. Thời gian vừa qua, nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật đã bị trả lại do không đảm bảo những yêu cầu chất lượng mà Nhật đặt ra.

Một thị trường tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh như thế, bỗng dưng bị chựng lại và có nguy cơ mất thị trường (như Nhật đã từng áp dụng với một số nước trước đây) đang là bài toán cần có lời giải cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đối diện thách thức lớn

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tương đối ổn định, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, nếu xét về tính bổ sung lẫn nhau của cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước, thì tỉ trọng còn khá nhỏ bé so với tiềm năng, và trên thực tế Việt Nam mới chỉ là bạn hàng nhỏ của Nhật Bản.

Điểm hạn chế lớn nhất là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản còn đơn giản, trong đó trên 50% là nguyên liệu thô và sản phẩm mới qua sơ chế.

Hơn nữa, công tác xúc tiến thương mại mặc dù đã được các doanh nghiệp và ban ngành quan tâm nhưng nhìn chung là còn nhỏ lẻ và chưa đồng bộ. Hoạt động xây dựng thương hiệu tại Nhật còn chưa thực sự được quan tâm thích đáng. Công tác liên kết ngành hàng giữa các hiệp hội của Việt Nam với các hiệp hội của Nhật Bản còn yếu.

Mẫu mã hàng của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa thực sự bắt nhịp với thị trường. Bao bì hàng xuất khẩu của ta trong thời gian qua đã làm mất đi tính cạnh tranh của mốt sản phẩm, đặc biệt là không làm tăng được giá trị của sản phẩm xuất khẩu.

Bà Đường Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu tổng hợp - Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ, một công ty có nhiều năm xuất khẩu sang thị trường Nhật cho rằng, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng Nhật cũng như giữ được đúng hẹn ngày giao hàng, chất lượng đảm bảo thì mới có thể xuất khẩu được vào thị trường này.

Trong 2 năm qua, mặt hàng thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, đặc biệt là thủy sản, bị Nhật Bản liên tục nhiều lần phát hiện vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật, tác động xấu đến uy tín chất lượng hàng thủy sản của Việt Nam.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp của ta chưa nắm bắt và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật và các bộ/ngành hữu quan không kịp thời đề ra các biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh tình hình.

Hàng năm, Nhật Bản nhập khẩu các loại nông lâm thuỷ sản khá lớn. Tuy nhiên, số lượng hàng Việt Nam có thể vào được thị trường Nhật Bản cũng rất khiêm tốn.

Lý giải cho thực tế này, các chuyên gia Nhật Bản cho biết hàng nông sản của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Nhật Bản về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và thời hạn giao hàng... Hơn nữa, hai nước hiện nay vẫn chưa có thoả ước về vệ sinh, kiểm dịch và các vấn đề khác liên quan đến hàng rào phi quan thuế.

Các chuyên gia Nhật Bản thẳng thắn chỉ rõ: “Các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết rõ những quy định bắt buộc liên quan đến việc nhập khẩu hàng nông sản vào Nhật Bản”.

Giải pháp thâm nhập thị trường

Có thể nói, giữ vững thị trường Nhật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả nước. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của ta sang Nhật đạt 2,119 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2006; và Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng tăng, hiện nay xấp xỉ 1% thị phần nhập khẩu của Nhật.

Ông Nguyễn Bảo, Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết: hiện nay xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều và lượng doanh nghiệp Nhật đang có kế hoạch thành lập công ty, văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam ngày càng tăng do quan hệ Trung - Nhật đang đóng băng.

Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không chỉ tăng về kim ngạch mà còn có những chuyển biến khá rõ rệt về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu được hoa tươi, hàng may mặc cao cấp, thực phẩm chế biến... sang thị trường Nhật Bản. Cùng với sự biến đổi về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ lệ gia công nội địa trong sản phẩm xuất khẩu, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu thành phẩm trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng được nâng cao (đặc biệt đối với sản phẩm thủy sản, cơ khí, công nghệ thông tin)...

Cũng phải nhìn nhận rằng trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ như hiện nay thì việc duy trì sự ổn định mức tăng trưởng xuất khẩu không đơn giản. Song như vậy không có nghĩa là Việt Nam không thể chinh phục được thị trường Nhật.

Phần lớn các chuyên gia Nhật Bản, các nhà xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp đã làm ăn với Nhật tại hội thảo đều cho rằng, để làm được công việc trên, các doanh nghiệp và đối tác Việt Nam cần nắm bắt được thị hiếu, việc định giá chào hàng không nên dựa vào giá bán lẻ tại thị trường Nhật, bảo đảm thời gian giao hàng; duy trì chất lượng sản phẩm.

Được như vậy, việc gia tăng xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nhật là điều không quá khó!