11:06 01/11/2009

Tháng 11, chứng khoán rơi vào vòng xoáy điều chỉnh?

Hoàng Hoa

Thị trường có thể tiếp tục rơi vào vòng xoáy điều chỉnh khi các nhà đầu tư chịu áp lực giải chấp gia tăng lượng bán

Tính thanh khoản của thị trường sẽ là vấn đề mấu chốt quyết định mức độ điều chỉnh của thị trường - Ảnh: Quang Liên.
Tính thanh khoản của thị trường sẽ là vấn đề mấu chốt quyết định mức độ điều chỉnh của thị trường - Ảnh: Quang Liên.
Thị trường có thể tiếp tục rơi vào vòng xoáy điều chỉnh khi các nhà đầu tư chịu áp lực giải chấp gia tăng lượng bán.

Tháng 10 dường như đã đem lại cho các nhà đầu tư nhiều cung bậc cảm xúc khi thị trường đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ vui sướng chuyển sang lo ngại, từ tràn trề hy vọng sang mất tự tin, vui đấy rồi lại lo lắng.

Những điều này đều đến từ những kỷ lục của tháng 10 - một tháng thiết lập nên nhiều khía cạnh mới của thị trường: thanh khoản cao là một điều bình thường, các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ cũng chỉ là tương đối, tất cả vẫn chỉ là niềm tin. Tuy vậy, niềm tin có được đặt đúng chỗ hay không? Tất cả vẫn phải chờ thời gian trả lời.

Xu hướng phục hồi của nền kinh tế và thị trường trở nên rõ nét hơn khi các chỉ tiêu vĩ mô trong và ngoài nước tiếp tục khẳng định xu hướng tích cực.

Tại Việt Nam, GDP dự kiến của cả năm 2009 ước đạt 5,2% và năm 2010 đạt 6,5%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng đang ở trong xu thế ổn định. Tốc độ tăng CPI trong 10 tháng qua chỉ tăng 7,17% so với cùng kỳ 2008 và CPI cả năm 2009 có thể giữ ở mức dưới 7%. Nguồn vốn FDI tiếp tục có xu hướng tăng khi FDI giải ngân trong 10 tháng năm 2009 đã đạt 8 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ.

Trên thế giới, GDP quý 3 của Mỹ tăng 3,5%, Trung Quốc đạt 8,9% cho thấy các nền kinh tế lớn đã có những bước phục hồi mạnh mẽ sau các gói kích cầu của chính phủ các nước. Thời kỳ tồi tệ nhất của nền kinh tế đã chính thức đi qua và giai đoạn phục hồi trước mắt là khá rõ nét.

Tháng 10, thị trường của những kỷ lục

Chính những cải thiện của nền kinh tế đã tạo ra những kỷ lục của tháng 10. Thanh khoản lên cao nhất khi thị trường đã liên tục thiết lập kỷ lục về giá trị giao dịch trong tháng 10/2009: từ hơn 5.000 tỉ đồng lên đến hơn 8.000 tỉ đồng trên cả hai sàn, và đỉnh điểm đạt mức hơn 9.500 tỷ đồng vào ngày 23/10.

Tính riêng trên sàn HOSE, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 10 đạt hơn 3.700 tỷ đồng/ngày (tương đương mức 200 triệu USD - quy mô giao dịch của các thị trường trong khu vực), tăng 16% so với tháng trước nhưng gấp 3 lần mức giao dịch của tháng 7.

Bên cạnh đó, thị trường đã vượt những ngưỡng kháng cự mạnh: vượt ngưỡng 600 điểm đối với VN-Index, 200 điểm đối với HNX và 10.000 điểm đối với Dow Jones.

Điểm đáng chú ý khác là giá cả hàng hóa biến động mạnh khi giá vàng tăng cao đột biến lên mốc 1.060 USD/ounce ở thị trường thế giới và hơn 24 triệu/ lượng tại thị trường trong nước. Giá dầu tăng cao vượt mốc 80 USD/thùng.

Thị trường sau khủng hoảng đầy những biến động khá bất ngờ. Tuy vậy, có thể thấy rõ một điều là thị trường đang từng bước vững chắc chinh phục các mốc cao mới - xu thế hồi phục tất yếu sau khủng hoảng.

Tháng 11, chứng khoán rơi vào vòng xoáy điều chỉnh? - Ảnh 1
Biểu đồ giá trị VN-Index và khối lượng giao dịch từ tháng 1/2009 đến tháng 10/2009 - Nguồn: HOSE.

Tuy vậy, có một số điểm đáng lưu ý trên thị trường trong thời gian qua:

Một là, xu hướng tìm kiếm các thông tin về lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng bất động sản: việc cho phép ghi vào lợi nhuận các khoản định giá lại dự án bất động sản để góp vốn liên doanh hay chuyển nhượng dự án bất động sản làm gia tăng mức độ đột biến trong lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Hai là, xu hướng phát hành thêm và chia thưởng cổ phiếu: hiện nay, số lượng công ty phát hành thêm cổ phiếu hoặc chia thưởng bằng cổ phiếu diễn ra khá phổ biến, nhất là đối với các công ty đang có kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và/hoặc có nguồn thặng dư vốn lớn. Hiện tượng này đang gia tăng giống với thời kỳ bùng nổ vào cuối năm 2007.

Ba là, thị trường có quá nhiều tin đồn và mức độ biến động khá mạnh khi những mốc mới của thị trường được xác lập, rủi ro về “bong bóng chứng khoán” cũng tăng lên. Do vậy, những tin đồn cả xấu lẫn tốt cũng nhiều hơn. Thị trường tăng quá nhanh nên mức độ điều chỉnh sau đó cũng diễn ra mạnh hơn.

Bốn là, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hầu như đã được công bố và hấp thụ hết vào giá cổ phiếu. Sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng diễn ra khá rõ nét.

Tháng 11, bước đệm cho chứng khoán cuối năm

Gói kích cầu thứ hai đã được chính thức thông qua với thời gian hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đến hết quý 1/2010 và mức hỗ trợ lãi suất giảm từ 4% xuống còn 2%. Như vậy, nền kinh tế và các doanh nghiệp đã có thêm một bước đệm để chuẩn bị đi vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định.

Hiện tại mức độ chấp nhận rủi ro của thị trường đã giảm bớt và tâm lý chờ đợi đang chiếm ưu thế chi phối. Yếu tố đòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán đã được báo động về mức độ rủi ro tăng lên do khả năng thua lỗ khi thị trường đảo chiều là khá lớn. Do vậy, thị trường có thể tiếp tục rơi vào vòng xoáy điều chỉnh khi các nhà đầu tư chịu áp lực giải chấp gia tăng lượng bán.

Bên cạnh đó, xu hướng chia tách cổ phiếu sẽ làm cổ phiếu bị loãng. Trong khi giá trị doanh nghiệp không tăng nhưng thị giá đã tăng quá nhanh trong thời gian qua sẽ là một lực cản đáng kể trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán sẽ không còn là kênh dễ dàng đem lại nhiều cơ hội kiếm lời như trước.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng dư nợ tín dụng đến ngày 30/10/2009 đã tăng 2,04% so với tháng trước và tăng 33,29% so với ngày 31/12/2008, trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND tăng 2,03% so với tháng trước và tăng 39,46% so với tháng 12/2008.

Như vậy, tổng dư nợ tín dụng đã vượt trên ngưỡng 30% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Thậm chí, nhiều khả năng còn có thể vượt cả mức dự báo 34-35% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu thực hiện kiểm soát trên thị trường liên ngân hàng cũng nhằm làm hạn chế bớt rủi ro ngân hàng đã sử dụng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để tăng trưởng tín dụng. Áp lực lên dòng tiền trong hệ thống ngân hàng có thể sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, tính thanh khoản của thị trường sẽ là vấn đề mấu chốt quyết định mức độ điều chỉnh của thị trường. Một khi thanh khoản tiếp tục giữ ở mức tốt -  trên 3.500 tỷ đồng/ngày - thì thị trường sẽ không điều chỉnh quá sâu. Ngược lại, xu hướng giảm điểm sẽ có thể kéo dài hơn trong tháng 11 để tạo bước đệm cho tháng cuối năm.

Dựa trên kết quả kinh doanh quý 3 vừa được công bố, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng tiếp tục đạt kết quả kinh doanh khá khả quan. Đây là nhóm cổ phiếu có khả năng tiếp tục có những tăng trưởng tốt trong quý 4 do tính chu kỳ của ngành và sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thực phẩm, dược phẩm là được xem là nhóm phòng thủ và tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận khá tốt.

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện tại, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ cũng là một chiến lược phù hợp.

* Tác giả bài viết là Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC).