Tháng 7, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang nhóm VN30 nhờ lợi nhuận tích cực
Trong tháng 7, dòng tiền được kỳ vọng tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30, khi đây là giai đoạn thị trường sẽ bị tác động bởi yếu tố kết quả kinh doanh Q2/2023...
Chứng khoán TPS vừa có báo cáo đánh giá cập nhật thị trường chứng khoán trong đó nhấn mạnh tâm lý của nhà đầu tư đã lạc quan hơn về triển vọng thị trường do những yếu tố tiêu cực nhất đã diễn ra và phản ánh vào thị trường trong năm 2022,
Các kênh đầu tư khác như lãi suất trở nên kém hấp dẫn; các công ty chứng khoán đã tích cực triển khai các chương trình kích cầu kể từ đầu năm 2023 đến nay. Cụ thể, lãi suất margin cao nhất của top 20 công ty chứng khoán có dư nợ cao nhất tính đến Q1/2023 đã giảm từ mức 14-15,6%/năm xuống còn 8-9%/năm. Đồng thời, ưu đãi phí với mức thấp là 0%.
Với những yếu tố trên, thị trường đã bắt đầu khởi sắc kể từ cuối tháng 4/2023 và thanh khoản đã liên tục bùng nổ, đạt mức trung bìnhh hơn 15.000 tỷ đồng/phiên ở tháng 06/2023.
Tỷ suất E/P của VN-Index trung bình trong tháng 6 rơi vào khoảng 7,8% chưa bao gồm tỷ suất cổ tức. Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại nhóm ngân hàng quốc doanh ở mức 7,2% đã bị thu hẹp đáng kể khi định giá của thị trường lại bật tăng do kết quả kinh doanh Q1/2023 kém tích cực.
Mặc dù mức chênh lệch hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn cuối năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ tạo đáy trong nửa đầu năm 2023 và dần được cải thiện trong thời gian còn lại cùng mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng đi lùi và khó có khả năng tăng trở lại trong năm nay NHNN đang có cho thấy sự quyết tâm đưa dòng tiền ra khỏi kênh trú ẩn an toàn là gửi tiết kiệm. Do đó, đây vẫn sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng hoặc mua vào để đón đầu xu hướng này.
Sau quá trình phục hồi đầy mạnh mẽ, P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 13,24 lần, vẫn thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm là 15x nhưng đã tăng hơn so với mức định giá 12,x trong giai đoạn tháng trước. Cùng với đó, mức định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngang bằng với nhiều chỉ số lớn trong khu vực như: Trung Quốc (14,5x), Indonesia (14,8x), Malaysia (15x). Đặc biệt, cao hơn nhiều so với thị trường cận biên (9,2x) và cả thị trường mới nổi (13,1x).
Lợi nhuận sau thuế Q1/2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 18,3% yoy, qua đó đưa định giá của VN-Index lên trừ 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm gần nhất.
Cùng với đó, chỉ số PMI có tháng thứ 4 liên tiếp nằm dưới mức 50 cùng việc xuất khẩu suy yếu đang báo hiệu về kết quả kinh doanh Q2.2023 vẫn sẽ gặp khó khăn và điều này có tác động khiến định giá của thị trường chung tiếp tục tăng cao. Cho triển vọng nửa cuối năm 2023, kịch bản cơ sở của TPS vẫn giữ nguyên dự báo VN-Index giao động trong khoảng từ 1.150 - 1.210 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 5% cho cả năm.
Đặc biệt với kịch bản tích cực nhất, EPS tăng trưởng 15%, P/E 13 lần, chỉ số VN-Index có thể lên tới 1.436 điểm trong năm 2023.
Với riêng tháng 7, TPS cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 khi đây là giai đoạn thị trường sẽ bị tác động bởi yếu tố kết quả kinh doanh Q2/2023. Do đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến hoặc cải thiện rõ rệt so với quý trước trong mùa báo cáo sắp tới như: SSI, HPG, STB, PLX, SSI... Qua đó, làm động lực giúp thị trường tiếp tục đi lên các mức cao khác.
Và tại kịch bản cơ sở, TPS cho rằng thị trường sẽ chững lại đà tăng chuyển sang biến động sideway trong vùng 1.100 – 1.150 điểm khi dòng tiền mua mới trở nên thận trọng và đứng ngoài quan sát kết quả kinh doanh quý 2/2023 dần được công bố trong tháng 7.