18:16 02/08/2021

Tháng 7 vốn ngoại mua ròng 5.000 tỷ đồng, dòng tiền đang trở lại?

Khánh Linh

Bước sang tháng 7, khối ngoại đã quay đầu mua ròng 4.941 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE. Đây là một tín hiệu quan trọng cho thấy dòng vốn này có thể đảo chiều sau chuỗi tháng bán ròng miệt mài...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đồ dồn vào đầu tư chứng khoán đã đánh bật vị thế của nhà đầu tư nước ngoài từ chiếm 15-20% tỷ trọng giá trị giao dịch toàn thị trường xuống chỉ còn 8-9%. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nhóm này với tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đó, mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được xem là dòng tiền thông minh đối với nhà đầu tư trong nước. 

KHỐI NGOẠI MUA RÒNG MẠNH SAU GẦN MỘT NĂM "THÁO CHẠY"

Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kể từ tháng 7/2020. Đến đầu năm 2021, tình trạng bán ròng vẫn diễn ra mạnh mẽ. Thống kê của VnEconomy cho thấy, riêng tháng 6, khối ngoại bán ròng 4.195 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE, luỹ kế 6 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 29.800 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở các cổ phiếu như HPG, VNM, CTG, VPB, MBB.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7, khối ngoại đã quay đầu mua ròng 4.941 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE. Nếu không kể tháng thứ 4 khối ngoại mua ròng nhẹ 182 tỷ đồng thì đây là tháng đầu tiên sau 12 tháng khối ngoại mua ròng với giá trị lớn.

Tháng 7 vốn ngoại mua ròng 5.000 tỷ đồng, dòng tiền đang trở lại? - Ảnh 1

Danh sách những mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng qua gồm NVL đứng đầu với giá trị lên đến 1.277 tỷ đồng. Thứ hai là VHM với giá trị 1.148 tỷ đồng; STB 1.115 tỷ đồng và MBB 1.039 tỷ đồng. Các mã khác gồm HPG, MSN, SSI, VNM, GEX, AGG cũng được khối ngoại mua ròng trong tháng 7 vừa qua.

Ở chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 2.269 tỷ đồng. Đứng thứ hai bị khối ngoại xả ròng là VPB với giá trị 1.080 tỷ đồng. CTG cũng bị bán ròng trên 866 tỷ đồng. Các mã khác bị khối ngoại miệt mài bán như KDH, DCM, PDR…

Tháng 7 vốn ngoại mua ròng 5.000 tỷ đồng, dòng tiền đang trở lại? - Ảnh 2

P/E RẺ, NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG LÀ CÂU CHUYỆN HÚT VỐN NGOẠI

Có nhiều lý do để giải thích tình trạng khối ngoại chấm dứt chuỗi ngày miệt mài bán ròng cổ phiếu Việt Nam trong đó, định giá thị trường Việt Nam đang được đánh giá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực.

Vn-Index tăng trưởng bứt phá suốt 6 tháng đầu năm tuy nhiên, đến đầu tháng 7 Vn-Index quay đầu giảm từ vùng giá 1.420 điểm về vùng giá hơn 1.200 điểm và hiện loanh quanh mốc 1.300 điểm. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường quý 2/2021 ở mức 88,6% cùng triển vọng tích cực ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đã đưa chứng khoán Việt Nam về vùng giá hấp dẫn.

Theo thống kê từ VnDirect, tính đến 30/7, đã có 610 công ty công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 34% tổng số cổ phiếu và 56% tổng vốn hóa toàn thị trường. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận doanh thu toàn thị trường quý 2/2021 tăng 37%; tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 2/2021 là 88,6%. Đây là mức tăng kỳ lục kể từ đầu đầu năm 2017 đến nay. Trong đó, VN30 có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 2 là 83,7%; nhóm HOSE tăng trưởng 83,1%.

Nhờ xu hướng tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021, mức P/E dự phóng 2021 của chỉ số Vn-Index hiện ở mức 16,5 lần, là mức tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của khu vực. Số liệu từ Bloomberg tính đến ngày 2/8 cho thấy, chỉ số P/E VN-Index là 16.59, tương đương với mức P/E bình quân 5 năm là 16,5 lần, thấp hơn mức P/E 22,0 lần tại đỉnh năm 2018 và mức P/E 19 lần ở thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. 

Đánh giá về xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7 vừa qua và dự báo xu hướng 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu - VinaCapital cho rằng rất khó để dự báo chính xác dòng tiền ngoại nhưng tín hiệu chung của thị trường cho thấy khối này chắc chắn sẽ quay lại thị trường Việt Nam bởi có nhiều thông tin hỗ trợ.

Cụ thể, từ năm 2022 trở đi, VinaCapital dự báo Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều với câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi - Emerging Markets. Sẽ có nhiều câu chuyện liên quan đến thị trường Việt Nam được đề cập trên báo chí. Dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài vốn dĩ được xem là dòng tiền thông minh qua kinh nghiệm của họ cũng biết rằng cơ hội lớn nhất là thị trường trước khi được nâng hạng trong vòng 1-2 năm. Tức là chúng ta dự báo được nâng hạng trong năm 2023-2024 thì năm 2022 là dòng tiền thông minh này quay lại Việt Nam. 

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu - VinaCapital . 
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu - VinaCapital . 

Chưa kể thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á, châu Á. Một số nhà đầu tư khu vực châu Á như Đài Loan họ rất lạc quan với thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường 6 tháng bị rút 1,3 tỷ thì nhà đầu tư Đài vẫn giải ngân. Ví dụ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã đổ khoảng hơn 540 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong đó có 173 triệu USD chỉ trong tháng 7.

So với các thị trường chưa được nâng hạng hoặc đã được nâng hạng thì họ không có câu chuyện, không có động lực như thị trường Việt Nam.

"Điều này cho thấy các nhà đàu tư nước ngoài phân hoá mạnh như Mỹ, châu Âu cẩn trọng còn nhà đầu tư Đài Loan ưa thích Việt Nam vì nghĩ giống với tập tính thị trường Đài Loan, nên thị trường giảm thì họ tăng cường giải ngân”, bà Thu nhấn mạnh.

Còn ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty CK Mirae Asset Việt Nam cho biết, thị trường Việt Nam thường đi chậm hơn so với các nước như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Tức là thị trường này họ đạt đỉnh 3 tháng trước sau đó thị trường Việt Nam mới đi lên. Đây là tín hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc họ có thể phòng thủ tại Hàn Quốc và các quỹ đầu tư chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Vấn đề là họ sẽ tìm thời điểm an toàn để giải ngân, như khi Covid qua đi, P/E hấp dẫn hơn…

“Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trao đổi với tôi họ cho biết Việt Nam là điểm sáng đầu tư. Do đó, trong ngắn hạn trước mắt nhà đầu tư ngoại có thể bán ròng nhưng dài hạn thì có thể họ vẫn quay lại. Mirae Asset đánh giá tình hình vĩ mô hiện tại ổn, chứng khoán và kinh tế Việt Nam được nhắc đến khá nhiều với dòng tiền ổn định, là nền kinh tế sáng nhất khu vực Đông Nam Á, độ mở của nền kinh tế lớn hơn 2 lần GDP chỉ đứng sau Hồng Kông và Singapore”, ông Minh nói.

Còn ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán - Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, HSBC vẫn thường xuyên giới thiệu thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Khi trao đổi hầu hết đều đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Quan trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh càng sớm càng tốt sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có nhận định chính xác hơn về thị trường Việt Nam.