08:21 17/07/2025

Thanh Hóa đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Nguyễn Thuấn

6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với hơn 5.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đứng đầu cả nước về số lượng đăng ký dự thi tiếng Hàn EPS…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hoá, trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn có hơn 110 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với tổng số lao động cần tuyển lên tới 15.500 người, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 70%. Khả năng cung ứng lao động của tỉnh đạt khoảng 95%, cho thấy nguồn nhân lực tại chỗ đang được đào tạo bài bản và đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Song song với đó, công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo đúng quy định pháp luật, minh bạch và an toàn cho người lao động. Trong nửa đầu năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 30.360 người; đồng thời giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 8.337 người lao động, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

THANH HÓA DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ THI EPS

Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Thanh Hóa tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu toàn quốc với 5.075 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, đạt 84,6% kế hoạch cả năm – một con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều địa phương gặp khó khăn về thị trường. Thị trường Đài Loan tiếp tục là lựa chọn hàng đầu với 2.150 lao động, theo sau là Nhật Bản (1.913 lao động) và Hàn Quốc (635 lao động).

Riêng trong chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS), Thanh Hóa là địa phương có số lượng người đăng ký dự thi tiếng Hàn nhiều nhất cả nước, với 5.533 hồ sơ, chiếm 24,4% tổng số hồ sơ toàn quốc.

Tỉnh cũng là một trong số ít địa phương tổ chức kỳ thi tiếng Hàn ngay tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, chi phí và tâm lý cho người lao động. Hàng nghìn người đã được hỗ trợ ôn thi miễn phí, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào và khẳng định uy tín của lao động xứ Thanh trên thị trường quốc tế.

Các ngành nghề được tuyển dụng chủ yếu gồm nông nghiệp, cơ khí, điện tử, xây dựng, chế biến thực phẩm và thủy sản – những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao, thu nhập ổn định và cơ hội phát triển lâu dài. Lao động Thanh Hóa được đánh giá cao nhờ tính kỷ luật, tinh thần học hỏi và khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

ĐỒNG BỘ HỖ TRỢ - TỪ ĐÀO TẠO ĐẾN SAU XUẤT CẢNH

Để tạo nguồn lao động chất lượng cho thị trường trong nước và quốc tế, công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và kỹ năng mềm được tỉnh đẩy mạnh thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các chương trình đào tạo được xây dựng sát với yêu cầu của từng thị trường, có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo đảm hiệu quả thực hành.

Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động tại các địa phương, thu hút hơn 300 lượt doanh nghiệp và trên 10.500 lượt người lao động tham gia. Qua đó, đã kết nối thành công việc làm cho hơn 1.800 người, đồng thời cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động cho hơn 60.000 lượt lao động.

Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động tại các địa phương
Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động tại các địa phương

Không dừng lại ở công tác tuyển chọn, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ tài chính cho người lao động, nhất là các nhóm yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các đối tượng này được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, khám sức khỏe và được tạo điều kiện vay tín chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa 100 triệu đồng, lãi suất ưu đãi. Một số địa phương còn trích ngân sách để hỗ trợ chi phí hồ sơ, lệ phí xuất cảnh – giải pháp thiết thực tháo gỡ rào cản tài chính vốn là trở ngại lớn nhất của người lao động nghèo.

Không chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị, công tác hậu kiểm sau xuất cảnh cũng được tỉnh chú trọng triển khai. Các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi tình hình cư trú, làm việc của lao động tại nước ngoài và hỗ trợ kịp thời các trường hợp phát sinh tranh chấp. Chính nhờ sự đồng hành này mà quyền lợi của người lao động được bảo vệ tốt hơn, qua đó từng bước xây dựng hình ảnh lao động Thanh Hóa chuyên nghiệp, đáng tin cậy trong mắt đối tác quốc tế.

Với định hướng phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực mở rộng xuất khẩu lao động sang các thị trường mới có thu nhập cao và yêu cầu chuyên môn sâu hơn. Trong đó, công tác hợp tác quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, gắn với việc tham gia các chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, mô hình liên kết “bốn nhà” (Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp – nhà nông) cũng được vận dụng hiệu quả trong đào tạo lao động phục vụ xuất khẩu. Tỉnh xác định rõ: chỉ khi người lao động có đầy đủ kỹ năng nghề, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ thì mới đủ khả năng tiếp cận các thị trường cao cấp, từ đó nâng cao vị thế và giá trị của chính mình.