Thanh Hoá: Nhiều doanh nghiệp chây ỳ, chậm đóng hơn 1.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong quý I/2025
Mặc dù ngành bảo hiểm xã hội tại Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm xử lý tình trạng nợ đọng, song đến hết quý I năm 2025, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.

TỈ LỆ NGƯỜI THAM GIA GIẢM NHẸ, SỐ THU TĂNG CAO
Theo thông tin từ ngành bảo hiểm, tính đến hết quý I năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 3,2 triệu người tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số người tham gia giảm 10.417 người, tương ứng giảm 0,32%.
Trong đó, có 441.132 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc; 92.781 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 2.713.941 người chỉ tham gia bảo hiểm y tế.
Dù số người tham gia giảm, tổng số thu từ các loại bảo hiểm trong quý I vẫn đạt hơn 3.761,3 tỷ đồng, bằng 26,13% kế hoạch năm và tăng 822,6 tỷ đồng (tăng 28%) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quý I đạt 4.634,5 tỉ đồng. Trong đó, chi bảo hiểm xã hội là 3.330,8 tỷ đồng và chi bảo hiểm y tế là 1.303,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng bảo hiểm tại tỉnh này vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Tính đến cuối tháng 3 năm 2025, tổng số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm trên toàn tỉnh Thanh Hóa là 1.056,88 tỷ đồng.
Trong đó, chậm đóng bảo hiểm xã hội chiếm 649,96 tỷ đồng; bảo hiểm y tế là 221,97 tỷ đồng; bảo hiểm thất nghiệp 32,64 tỷ đồng; bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 8,29 tỷ đồng. Riêng tiền lãi phát sinh do chậm đóng lên đến 144,02 tỉ đồng.
Toàn tỉnh Thanh Hoá có 3.368 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 527,643 tỷ đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể chiếm tuyệt đại đa số với 3.343 đơn vị, nợ 524,088 tỉ đồng (tương đương 99,33%). Khối hành chính sự nghiệp có 25 đơn vị, nợ 3,555 tỷ đồng (0,67%). Trong quý I năm nay, phát sinh thêm 19 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ 2,51 tỷ đồng.
Một số đơn vị đáng chú ý như Ban Quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở Xây dựng) chậm đóng 4 tháng với số tiền 457,09 triệu đồng; Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Dạy nghề thành phố Sầm Sơn chậm đóng 4 tháng với 167,57 triệu đồng; Trường Tiểu học Phúc Thịnh (huyện Ngọc Lặc) chậm đóng 3 tháng với 147,75 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do việc chuyển kinh phí để đóng bảo hiểm không được thực hiện kịp thời.
NHIỀU DOANH NGHIỆP NỢ KÉO DÀI, SỐ TIỀN LỚN
Khối doanh nghiệp vẫn là nhóm có tỷ lệ chậm đóng cao nhất. Trong quý I/2025, có thêm 696 doanh nghiệp phát sinh tình trạng nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền lên đến 52,32 tỷ đồng.
Một số trường hợp điển hình như Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort (325 lao động) chậm đóng 46 tháng với số tiền 34,453 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa (43 lao động) chậm đóng 96 tháng với 18,062 tỷ đồng; Công ty CP May Vạn Hà (743 lao động) chậm đóng 16 tháng với 13,618 tỉ đồng; Công ty CP Lilama 5 – thị xã Bỉm Sơn (36 lao động) chậm đóng 63 tháng với 11,215 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (11 lao động) chậm đóng 62 tháng với 3,168 tỷ đồng.
Đáng lo ngại, một số doanh nghiệp có thời gian nợ đọng kéo dài và đã bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa nộp lại tiền nợ bảo hiểm.
Trong số đó có Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 chậm đóng 151 tháng với số tiền 41,531 tỷ đồng; Công ty CP Licogi 15 chậm đóng 154 tháng với 11,620 tỷ đồng; Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chậm đóng 140 tháng với 8,356 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 chậm đóng 180 tháng với 7,085 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV JLG Vina chậm đóng 58 tháng với 6,120 tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Sông Chu chậm đóng 70 tháng với 6,029 tỷ đồng.
Thực trạng này không chỉ gây thất thu cho Quỹ bảo hiểm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hàng nghìn lao động trên địa bàn.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội khu vực VI đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời kiến nghị các biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ bảo hiểm kéo dài.