Thanh Hóa: Phát hiện gần 3500 vụ buôn lậu, hàng giả, thu 114 tỷ đồng
Trong 9 tháng, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ trên gần 3.491 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng số tiền thu hơn 113 tỷ đồng. Trong đó chuyển khởi tố hình sự 848 vụ, tăng 18,3% so với cùng kỳ; xử lý vi phạm hành chính 2.643 vụ, giảm 8,9% so với cùng kỳ...
Cùng với công tác tuyên tuyền các quy định pháp luật, triển khai ký cam kết chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai các chương trình, kế hoạch kiểm soát thị trường. Trong đó, quyết liệt chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện, các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, đối tượng, tuyến, địa bàn, phương thức, thủ đoạn các đường dây, ổ nhóm để triển khai thực hiện, kiểm soát tình hình, ngặn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cảng biển… Giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng. Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình hình thị trường cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn. Riêng mặt hàng xăng dầu có sự thay đổi về giá từng thời điểm theo tình hình chung của cả nước và thế giới.
Theo phân tích của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, bước vào những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới. Mặt khác, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao, biến động, chênh lệch giá hàng hoá giữa các khu vực, vùng miền trong tỉnh, trong nước còn lớn, đặc biệt là xuất hiện sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu là động cơ, nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn phức tạp.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ tập trung quán triệt, triển khai các chuyên đề về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhiều mặt hàng có nguy cơ xảy ra gian lận vào những tháng cuối năm. Đồng thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới đất liền; về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cũng đánh giá cao Cục Quản lý thị trường tỉnh cùng với sự phối hợp của các ngành thành viên trong thực thi nhiệm vụ. Sự vào cuộc kịp thời của các đơn vị đã góp phần giữ ổn định thị trường hàng hóa trong tỉnh.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ. Làm tốt công tác này, sẽ góp phần minh bạch thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất và chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, tăng thu ngân sách. Đồng chí cũng khẳng định, những tháng cuối năm, giá cả hàng hóa, thị trường sẽ còn nhiều biến động. Tỉnh Thanh Hóa lại có tuyến đường bộ giáp ranh với nhiều địa phương nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn gia tăng và diễn biến phức tạp.
Bên cạnh nâng cao công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho người kinh doanh và người tiêu dùng, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các ngành thành viên tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, làm tốt công tác thu thập thông tin, đặc biệt là công tác dự báo diễn biến tình hình thị trường để có giải pháp kiểm tra, kiểm soát đối với các vi phạm về hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng giả tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác điều tra, trinh sát, tổ chức nhân mối trong các địa bàn trọng điểm, nhất là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đẩy mạnh việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành thành viên, các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực: các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, bưu điện... tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Ông Thi cũng đề nghị các ngành cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội trong cung cấp thông tin để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các mánh khóe, thủ đoạn, đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại. Chú trọng đấu tranh chống gian lận trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, phân bón, mặt hàng phục vụ tiêu dùng dịp Tết nguyên đán...
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ sớm xây dựng Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và kế hoạch kiểm soát thị trường năm 2023.