11:00 30/04/2024

Thanh Hóa sắp di dời 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Việc di dời các cơ sở trên nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể, từng bước giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phấn đấu đến năm 2030 Thanh Hóa giải quyết cơ bản nguồn thải từ các cơ sở gây ô nhiễm trong đô thị và khu dân cư...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa ký Quyết định số 1671/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

NHIỀU CƠ SỞ ĐANG HOẠT ĐỘNG GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Nội dung đề án này nêu rõ, theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm 342 cơ sở; chế biến đá xẻ, đá ốp lát 190 cở sở; chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng 109 cơ sở; thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì 75 cơ sở; sản xuất bún 26 cơ sở; giết mổ gia súc, gia cầm 30 cơ sở; gia công cơ khí 19 cơ sở; sản xuất gạch không nung 14 cơ sở; các loại hình khác như ươm tơ, dệt nhiễu, chế biến thức ăn chăn nuôi, sữa chữa ô tô, sản xuất bia, kinh doanh than… là 21 cơ sở.

Các cơ sở này tập trung ở 18/27 địa phương như: thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương.

Qua kiểm tra, xác minh các cơ quan chức năng tỉnh này nêu rõ, hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát trên đất ở của hộ gia đình, trên đất thuộc quy hoạch khu dân cư, đô thị.., mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động thủ công.

Cùng với đó nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường; không đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải hoặc công trình còn sơ sài, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân xung quanh.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nhận được nhiều đơn thư, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường do các cơ sở trên gây ra. Qua việc phản ánh qua đơn thư, đường dây nóng thường xuyên của các hộ dân cho thấy những bức xúc trong việc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này cần phải được giải quyết dứt điểm.

Vì vậy, mục tiêu chung của đề án này nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể, từng bước giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phấn đấu đến năm 2030 Thanh Hóa giải quyết cơ bản nguồn thải từ các cơ sở gây ô nhiễm trong đô thị và khu dân cư. 

Theo đề án, qua số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố và số liệu thanh tra, kiểm tra, xác minh, tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, trong 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư, có 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm, thuộc phạm vi đề án, 126 cơ sở không gây ô nhiễm môi trường, không thuộc phạm vi đề án.

THỰC HIỆN THEO TỪNG GIAI ĐOẠN

Đề án trên sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh này rà soát cập nhật số liệu để đánh giá, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với các mức độ khác nhau. Thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, hộ gia đình chủ sở hữu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, Chỉ đạo các cơ sở gây ô nhiễm xây dựng phương án xử lý. Tổ chức thẩm định, phê duyệt các phương án xử lý.

Tiếp đến, giai đoạn 2026 - 2027, Thanh Hóa di dời toàn bộ/chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động 110 sơ sở gây ô nhiễm môi trường; không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thuộc các phường của đô thị từ loại IV trở lên. Tỉnh này đầu tư đầy đủ, vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc trường hợp gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường nhưng thuộc loại hình có thể giảm quy mô, công suất để đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong 3 năm tiếp theo 2028 - 2030, Thanh Hóa sẽ di dời/chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại là 565 cơ sở.

Địa điểm tiếp nhận các cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung cùng địa bàn, địa bàn lân cận, đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc các vị trí mới được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương thực hiện dự án.

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Theo quyết định trên, về nguyên tắc hỗ trợ, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời, chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 lần theo quy định. Nếu cùng nội dung hỗ trợ từ nhiều chính sách khác nhau thì được lựa chọn và chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.

Về chính sách hỗ trợ, quyết định trên nêu rõ các cơ sở di dời được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành, như sau miễn tiền thuê đất tối đa không quá 3 năm, kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước (trong thời gian xây dựng cơ bản). Trường hợp chính sách hỗ trợ nêu trong quyết định đã hết hiệu lực, các cơ sở áp dụng các chính sách hỗ trợ mới theo các quy định hiện hành tại thời điểm thực hiện di dời. Miễn tiền thuê đất 3 năm sau thời gian xây dựng cơ bản, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường.

Việc giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn theo quy định.

Tiếp đến về ưu đãi về thuế, quyết định cũng nêu rõ, đối với thuế suất ưu đãi: 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: tái chế, tái sử dụng chất thải… theo quy định.

Áp dụng thuế suất 10% đối với các khoản thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường. Thuế suất 17% trong thời gian mười năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc ngành nghề sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống: ươm tơ dệt nhiễu, mộc, hàn..

Thanh Hóa sẽ hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn được thực hiện theo quy định tại Điểm 1.6, Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 185/2021/NQHĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025 với các mức hỗ trợ, cụ thể: Hỗ trợ 1 lần, thời gian hỗ trợ 3 tháng: 4 triệu đồng/tháng đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ; 5 triệu đồng/tháng đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa; 8 triệu đồng/tháng đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Ngoài ra, trang trại chăn nuôi có nhu cầu di dời đến địa điểm mới để tiếp tục chăn nuôi, bên cạnh mức hỗ trợ nêu trên thì mỗi trang trại chăn nuôi được hỗ trợ thêm một phần chi phí vận chuyển, cụ thể: di chuyển dưới 30 km hỗ trợ 3 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 4 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 5 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Di chuyển trên 30 km hỗ trợ 5 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 6 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 7 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Thời điểm nhận hỗ trợ, sau khi trang trại chăn nuôi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định của pháp luật, có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã. Nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp kinh tế hàng năm của ngân sách tỉnh Thanh Hóa.