Thanh khoản cao nhất 11 phiên, hi vọng vượt đỉnh lại xuất hiện
Thanh khoản không mạnh thêm trong phiên chiều nay, nhưng bên mua lại rất hưng phấn và nâng giá lên liên tục. Kết quả tất yếu là đà tăng mở rộng, VN-Index đóng cửa cao nhất ngày, tăng 0,79% (+10,15 điểm). So với mức đỉnh đóng cửa cao nhất ngày 13/6 vừa qua, khoảng cách chỉ còn chưa tới 8 điểm nên tương đương một phiên như hôm nay là chỉ số sẽ có đỉnh cao mới.
Thanh khoản không mạnh thêm trong phiên chiều nay, nhưng bên mua lại rất hưng phấn và nâng giá lên liên tục. Kết quả tất yếu là đà tăng mở rộng, VN-Index đóng cửa cao nhất ngày, tăng 0,79% (+10,15 điểm). So với mức đỉnh đóng cửa cao nhất ngày 13/6 vừa qua, khoảng cách chỉ còn chưa tới 8 điểm nên tương đương một phiên như hôm nay là chỉ số sẽ có đỉnh cao mới.
Sức mạnh trong buổi chiều đến từ các cổ phiếu blue-chips khi nhóm này ghi nhận 17 mã tăng cao hơn so với giá chốt buổi sáng. Mặc dù độ rộng không khá hơn rõ nét, với 25 mã tăng/5 mã giảm (phiên sáng là 27 mã tăng/7 mã giảm) nhưng mặt bằng giá tốt hơn giúp VN30-Index đóng cửa tăng 0,45% so với mức 0,1% cuối phiên sáng.
VIC là cổ phiếu tăng rõ nét nhất trong buổi chiều, thậm chí tham gia kéo cả VN-Index. Cuối phiên sáng VIC còn giảm 0,12% và đến tận 2h15 vẫn còn luẩn quẩn tham chiếu. Đột nhiên ít phút cuối VIC tăng vọt 1,36% so với tham chiếu trước khi tụt nhẹ xuống lúc đóng cửa, còn tăng 0,99%. Như vậy nếu tính riêng chiều nay, VIC tăng gần 1,12%. Ngoài VIC, không còn cổ phiếu nào biến động được hơn 1%. VCB tăng thêm 0,92%, VPB tăng thêm 0,52%, MSN tăng thêm 0,53%, BVH tăng 0,74%... là các cổ phiếu thay đổi lớn nhất.
Độ rộng tổng thể của VN-Index cũng không cải thiện nhiều. Cuối phiên sáng chỉ số ghi nhận 246 mã tăng/168 mã giảm. Kết phiên là 295 mã tăng/155 mã giảm. Dù vậy mặt bằng giá cũng tốt hơn đáng kể với 125 cổ phiếu đóng cửa tăng trên 1% (cuối phiên sáng là 100 mã). Tỷ trọng thanh khoản của nhóm tăng mạnh nhất này chiếm hơn 43% tổng giá trị khớp sàn HoSE trong khi phiên sáng khoảng 40%. Như vậy lực cầu nâng giá hoạt động tốt, không chỉ giúp duy trì độ cao của giá đã có từ phiên sáng mà còn mở rộng hơn và chủ động tạo thanh khoản.
Toàn sàn HoSE cũng có 60 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên – chiếm 77% tổng giá trị - thì 46 mã tăng, với 27 mã tăng hơn 1%. Chỉ 13 mã trong số này là đỏ và 3 mã duy nhất giảm hơn 1% là FPT giảm 1,5% thanh khoản 1.327 tỷ đồng; NLG giảm 1,59% với 101,4 tỷ và HVN giảm 2,95% với 194 tỷ. Phía tăng nổi bật là PC1 tăng 6,94% với 427,4 tỷ đồng; EVF tăng 5,71% với 156,8 tỷ; CTS tăng 5,66% với 125,5 tỷ; REE tăng 4,51% với 147,2 tỷ; GEX tăng 3,95% với 449,2 tỷ…
Việc có các trụ gia nhập vào nhóm kéo điểm số mạnh nhất như VCB tăng 1,03%, BID tăng 1,06%, VPB tăng 1,84%, GVR tăng 4,11%, VN-Index lại có cơ hội đột phá lên đỉnh cao mới. Nhịp tăng kéo dài sang phiên thứ 7 liên tiếp đã đột ngột tăng tốc trở lại, đúng vừa thời điểm chỉ số tiến vào vùng đỉnh cũ. Nếu có sự đồng thuận tốt của các mã vốn hóa hàng đầu thì việc VN-Index vượt đỉnh là nằm trong tầm tay.
Mặc dù giá lên khá tốt nhưng thanh khoản chiều nay không mấy ấn tượng, sàn HoSE giảm nhẹ 1,2% so với buổi sáng, chỉ đạt 10.038 tỷ đồng. Tính cả HNX, giao dịch hai sàn giảm 1,1%, đạt 10.815 tỷ đồng. Dù vậy ngưỡng khớp lệnh trên 10 ngàn tỷ đồng phiên chiều cũng là khá cao vì trong hơn 2 tuần trở lại đây, chỉ có 2 phiên vượt được mức này và hôm nay là phiên thứ 3.
Ngoài ra thanh khoản không tăng cũng không hẳn là do dòng tiền yếu. Đây có thể kết hợp với yếu tố giảm bán vì rõ ràng bên mua chủ động hơn đáng kể. Nếu nhà đầu tư muốn xả hàng thì có rất nhiều tiền đỡ và thanh khoản sẽ tăng cao dễ dàng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang hưởng lợi lớn từ giao dịch sôi động cũng như đà tăng mạnh trở lại này. 8 cổ phiếu đóng cửa giá kịch trần hầu hết thanh khoản khá như CSV, PC1, VIP, BFC, VTO, CSM. Các cổ phiếu như SAV, VSH, VCG, IMP, MIG, BIC, CCL, HVH đều tăng trên 4%.
Nhà đầu tư nước ngoài buổi chiều giao dịch cân bằng dù quy mô khá lớn. Cụ thể, tổng giá trị bán ra thêm trên HoSE đạt 1.380,8 tỷ đồng, mua vào 1.330,5 tỷ, tương ứng bán ròng chỉ 50,3 tỷ đồng. Ngoài FPT và HDB giao dịch lớn từ sáng, bên bán có MSN -156,3 tỷ, VRE -92,2 tỷ, TCB -83 tỷ, MWG -82,6 tỷ, STB -45,8 tỷ, SSI -45,6 tỷ. Bên mua có TNH +137,5 tỷ, VPB +69 tỷ, PC1 +50,7 tỷ, BID +45,9 tỷ, GMD +41,3 tỷ.