15:55 06/07/2023

Thanh khoản đột biến ở VND, cơn lốc giảm giá càn quét thị trường

Kim Phong

Sau giờ nghỉ trưa, thị trường đột ngột chứng kiến áp lực bán tăng vọt ở một số cổ phiếu, mà rõ nhất là VND. Chỉ trong một phút đầu tiên mở cửa trở lại cổ phiếu này đã xuất hiện giao dịch hơn 4,8 triệu cổ, giá từ 19.250 đồng lao xuống 18.800 đồng, tức là giảm 2,4% chỉ trong thời gian cực ngắn. Áp lực bán sau đó tăng vọt trên khắp thị trường, đẩy cổ phiếu giảm cả loạt với thanh khoản rất cao...

VN-Index sụt giảm đáng kể trong phiên chiều.
VN-Index sụt giảm đáng kể trong phiên chiều.

Sau giờ nghỉ trưa, thị trường đột ngột chứng kiến áp lực bán tăng vọt ở một số cổ phiếu, mà rõ nhất là VND. Chỉ trong một phút đầu tiên mở cửa trở lại cổ phiếu này đã xuất hiện giao dịch hơn 4,8 triệu cổ, giá từ 19.250 đồng lao xuống 18.800 đồng, tức là giảm 2,4% chỉ trong thời gian cực ngắn. Áp lực bán sau đó tăng vọt trên khắp thị trường, đẩy cổ phiếu giảm cả loạt với thanh khoản rất cao.

Riêng VND chiều nay giao dịch tới trên 93 triệu cổ tương đương giá trị 1.702,4 tỷ đồng. Giá đóng cửa giảm 6,48% so với tham chiếu, còn 18.050 đồng, tức là riêng chiều bốc hơi 6,2%. Tính chung cả ngày VND khớp 105,8 triệu cổ trị giá 1.951,5 tỷ đồng, chưa kể thỏa thuận hơn 1 triệu cổ nữa trị giá hơn 20 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản lớn chưa từng có của cổ phiếu này.

Mặc dù có yếu tố đột biến thanh khoản của VND, nhưng ngay cả khi loại bỏ giao dịch này thì phiên chiều nay cũng xuất hiện trạng thái giao dịch cực lớn. Tính chung hai sàn, giá trị khớp lệnh phiên chiều đạt khoảng 13.609 tỷ đồng, tăng 153% so với phiên sáng. Nếu trừ đi giao dịch của VND, thanh khoản vẫn tăng 121%.

Như vậy rõ ràng là có một áp lực bán mới tăng vọt chiều nay, bất kể có liên quan đến sự kiện tại VND hay không. Trong 15 phút đầu tiên khi thị trường mở cửa trở lại, độ rộng sàn HoSE co về còn 63 mã tăng/353 mã giảm. Cho đến cuối phiên tình thế cũng không cải thiện nhiều, còn 94 mã tăng/339 mã giảm.

Kết hợp với độ rộng suy giảm rõ rệt, mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay cũng thấp hơn. Thống kê trên HoSE, tới 162 cổ phiếu đóng cửa giảm trên 1% so với tham chiếu, trong khi chốt phiên sáng mới là 73 mã. VN-Index đóng cửa giảm 0,74%, VN30-Index giảm 0,91%, Midcap giảm 0,4%, Smallcap giảm 0,66%, đều yếu hơn buổi sáng. Lực bán lớn đã ép giá cổ phiếu mạnh mẽ, thể hiện sự chủ động và quyết liệt.

Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy nhiều cổ phiếu chịu sức ép thanh khoản rất lớn và giá giảm mạnh.
Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy nhiều cổ phiếu chịu sức ép thanh khoản rất lớn và giá giảm mạnh.

Giao dịch bất thường của VND dĩ nhiên tác động đầu tiên là tới nhóm cổ phiếu chứng khoán. Ngay cả những mã cực mạnh như VCI, SSI chiều nay cũng có nhịp chao đảo mạnh, nhất là nửa đầu phiên. Đóng cửa VCI còn tăng 2,42%, SSI tăng 0,38%, MBS tăng 1,55%, HCM tăng 0,17%, BSI tăng 1,28%. Đó là những mã duy nhất đi ngược dòng trong nhóm này, còn lại đều giảm. Loạt 10 cổ phiếu nhóm chứng khoán giảm trên 2% bao gồm cả các mã đình đám vừa qua như VIX, ORS.

Trong hơn 80 cổ phiếu sàn HoSE lao dốc quá 2% hôm nay, rất nhiều cổ phiếu chứng kiến thanh khoản rất lớn. Ngoài VND, có thể điểm tới STB, NVL, VPB, CII, DXG, VIX, PDR, VRE, HVN thanh khoản hàng trăm tỷ đồng.

Nhóm blue-chips cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Thống kê nhóm VN30 so với giá chốt cuối phiên sáng, có tới 20 mã tụt xuống thấp hơn, chỉ 9 mã tăng. Các cổ phiếu siêu lớn như VCB, VIC, VHM, GAS hay TCB, VPB, VRE, BID… đều nằm trong số tụt giá này. May mắn là VNM, HPG, MSN khởi sắc hơn, hay CTG cũng bớt giảm, đã bù lại phần nào. Tuy vậy VN30-Index đóng cửa vẫn giảm 0,91%, mạnh hơn đáng kể so với phiên sáng.

Các cổ phiếu ngược dòng chiều nay dĩ nhiên lép vế cả về mức độ tăng lẫn thanh khoản. Hầu hết các cổ phiếu nhóm này có giao dịch nhỏ, lợi thế cung cầu dễ điều tiết. Chỉ có 34/94 cổ phiếu còn tăng giá phiên này đạt giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên. Nhóm này lại chỉ có khoảng 15 cổ phiếu tăng quá 1%. PTB, GIL, SSB, TCH, BMI, DBC, DRH, GVR, KSB, VCI là các cổ phiếu xuất sắc nhất.

Khối ngoại phiên chiều vẫn bán ròng khoảng 152,3 tỷ đồng nữa, nhưng lực bán này chìm nghỉm trong đợt bán tháo của nhà đầu tư trong nước. STB bị xả tổng thể nhiều nhất -122,9 tỷ đồng, VCB -77,9 tỷ, VNM -68,9 tỷ, NLG -36,5 tỷ, HDB -35,8 tỷ, VHM -32 tỷ, VIC -28,2 tỷ, PNJ -23,6 tỷ, SHB -23,1 tỷ. Phía mua có HPG +54,3 tỷ, KBC +23,8 tỷ, PTB +22 tỷ, CTG +20,4 tỷ, SSI +20,3 tỷ, GEX +20,3 tỷ.