Thanh khoản lại bốc hơi
Phiên tăng thứ 5 liên tiếp của VN-Index tiếp tục nhờ lực kéo từ các cổ phiếu lớn nhưng không thay đổi được độ rộng thị trường, cũng không kích thích được thanh khoản nhiều hơn...
Phiên tăng thứ 5 liên tiếp của VN-Index tiếp tục nhờ lực kéo từ các cổ phiếu lớn nhưng không thay đổi được độ rộng thị trường, cũng không kích thích được thanh khoản nhiều hơn.
VN-Index suy yếu nhẹ về cuối phiên sáng nay nhưng chủ đạo vẫn là tăng. Chỉ số có được 5,74 điểm tương đương 0,41% trong khi VN30-Index chỉ tăng 0,39%, Midcap giảm 0,17% và Smallcap giảm 0,22%.
Sự lệch pha giữa VN-Index và VN30-Index cũng cho thấy các trụ đang thay đổi. VIC, MSN nổi lên trong phiên hôm nay bên cạnh hai cổ phiếu lớn từ phiên trước là VCB và VHM. VCB và MSN chưa lọt vào được Top 10 vốn hóa của VN30-Index, nên lực kéo với chỉ số này hạn chế.
Tuy vậy với VN-Index, mức tăng 2,11% của VCB đem lại tới 2,5 điểm. MSN tăng 2,58% cũng cộng thêm 0,9 điểm. Hôm nay có sự trỗi dậy của VIC sau cả tháng 6 tích lũy đi ngang. Cổ phiếu này đang có vốn hóa lớn thứ 2 trong VN-Index và mức tăng 1,78% có tác động đáng kể, tới 1,9 điểm. VHM cũng tăng 1,18%. Như vậy top 3 vốn hóa sáng nay đều tăng mạnh.
Độ rộng tích cực trong rổ VN30 với 15 mã tăng/11 mã giảm cho thấy biến động giá trong nhóm blue-chips là tốt nhất. Tuy nhiên không có nhóm ngành rõ ràng trong xu hướng tăng này. Cả ba mã liên quan đến nhóm Vin đều tăng, nhưng ngân hàng thì phân hóa. BID, VCB, MBB, VPB tăng, CTG, STB, TCB, TPB giảm. Dầu khí có GAS tăng, PLX giảm...
Độ rộng chung của cả sàn HoSE tiếp tục nghiêng nhiều hơn về phía giảm, với 173 mã tăng/203 mã giảm, cho thấy đà đi lên của các chỉ số vẫn đang trên cơ sở dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn.
Diễn biến kiểu này khiến thị trường không hấp dẫn được lượng vốn lớn tham gia. Sau hai ngày khả quan, sáng nay giá trị khớp lệnh sàn HoSE lại tụt xuống mức 9.935 tỷ đồng, giảm 12% so với sáng hôm qua. Tổng giá trị khớp hai sàn giảm 15%, chỉ đạt 11.075 tỷ đồng. Điều này cho thấy thanh khoản giảm trên cả hai sàn.
Sự suy giảm giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là lý do khiến thanh khoản chung yếu đi. Sáng nay MBB, CTG, VPB vẫn là 3 mã thanh khoản cao nhất, nhưng MBB đứng đầu cũng chỉ đạt 743 tỷ đồng. HPG giao dịch cực thấp với 479 tỷ đồng. Bên HNX, SHB khớp thấp chóng mặt, chỉ đạt 197 tỷ đồng.
Mặc dù không phải tất cả các cổ phiếu đều giảm thanh khoản, nhưng các nhóm dẫn dắt dòng tiền rõ nhất thời gian qua là ngân hàng và thép đều không còn hấp dẫn nữa là tín hiệu bất lợi. Dòng vốn đó đi đâu? Rõ ràng không có sự dịch chuyển nào đáng kể, vì hàng ngàn tỷ đồng mỗi ngày ở nhóm ngân hàng và thép nếu di chuyển thì sẽ để lại dấu vết ngay lập tức. Mức tăng thanh khoản ở các nhóm cổ phiếu khác không rõ ràng và cũng không bền vững. Nếu cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn dòng tiền khổng lồ đó thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.
Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang suy yếu. Câu chuyện bán ròng của khối ngoại chỉ là một yếu tố, quan trọng hơn là tổng mức giải ngân hàng ngày của khối này yếu dần. Lấy ví dụ tuần trước, trung bình mỗi phiên giá trị mua vào của khối ngoại với cổ phiếu sàn HoSE chỉ là 1.366 tỷ đồng/ngày, giảm từ mức quanh 1.700 tỷ đồng/phiên của 2 tuần trước đó.
Phiên hôm nay khối ngoại xuất hiện giao dịch thỏa thuận mua ròng gần 13 triệu NVL, tương đương rót ròng 1.551,7 tỷ đồng. VHM, VCB, SSI, BID, HPG cũng được mua ròng rất tốt. Phía bán ròng có VPB bị rút đi 156,1 tỷ đồng ròng, MBB khoảng 36,5 tỷ. Tính chung lượng vốn vào ròng đạt 1.643,8 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân sàn HoSE đạt 2.262,2 tỷ đồng. Hi vọng đây là một sự phục hồi về dòng tiền của khối này trên thị trường.