17:11 11/01/2022

Thanh khoản ổn định, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt

Tính riêng ở kỳ hạn qua đêm, mức lãi suất giảm trong tuần trước lên tới 0,48 điểm phần trăm xuống 1,24%...

Sau hơn 2 tuần gặp nhiều căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã phần nào ổn định trở lại. Điều này thể hiện tại hai yếu tố chính.

Thứ nhất, trong tuần vừa qua (4/1-7/1), hoạt động mua ngoại tệ giao ngay của Ngân hàng Nhà nước không phát sinh giao dịch. Tức hệ thống không được bổ sung lượng VND qua kênh mua bán ngoại tệ. Thế nhưng các ngân hàng cũng không cần tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ phía nhà điều hành.

Trước đó, do cung cầu không gặp, nhiều tổ chức tín dụng đã phải “vay nóng” Ngân hàng Nhà nước trên nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với lãi suất 2,5%, cao hơn mức lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn.

Hiện tại, chốt ngày 10/1, khối lượng lưu hành trên kênh thị trường mở hạ xuống mức 10.535,93 tỷ đồng, do đã có 1,78 tỷ đồng đáo hạn. Nếu không có biến động lớn, khối lượng còn lại sẽ đáo hạn hết trong tuần này.

Thanh khoản ổn định, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt - Ảnh 1

Thứ hai, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhanh chóng hạ nhiệt. Tính riêng ở kỳ hạn qua đêm, mức lãi suất giảm trong tuần trước lên tới 0,48 điểm phần trăm xuống 1,24%. Các kỳ hạn còn lại giảm 0,06 – 0,16 điểm phần trăm, giao dịch trong khoảng 1,69% - 2,21%.

Thông thường, diễn biến lãi suất liên ngân hàng sẽ gặp nhiều biến động khó lường, khi thị trường bước vào những tháng cận Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán SSI, bên cạnh việc hỗ trợ thông qua hoạt động thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể hỗ trợ thanh khoản gián tiếp thông qua hoạt động mua ngoại tệ, khi đây là tháng cao điểm kiều hối dồn về, cung ngoại tệ lớn.

Còn số liệu thống kê của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cho thấy, thị trường đang trở nên khó lường. Ở chỉ tiêu lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, mức độ phân tán giữa dự báo của các thành viên khá lớn.

Cụ thể, có những thành viên hướng đến mức lãi suất vượt mốc 2%/năm (bình quân trong tháng 1/2022), song cũng có nhiều dự báo lạc quan với sự bình ổn dưới 2% và chỉ quanh 1,8%, thậm chí có kỳ vọng chỉ chớm nhẹ trên 1%/năm. Bình quân dự báo của VIRA là 1,9%/năm.

Nhìn xa hơn, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng năm 2022, với đại diện kỳ hạn 1 tuần, vẫn khá bình ổn theo dự báo của các thành viên VIRA. Bình quân dự báo chỉ ở 1,33%/năm, dù vậy vẫn tăng đáng kể khi năm 2021 phổ biến dưới 1%/năm.

Thanh khoản ổn định, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt - Ảnh 2

Quay lại với diễn biến tuần trước nhưng tại thị trường trái phiếu Chính phủ. Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 7 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Tỷ lệ đăng ký và trúng thầu được cải thiện, khi tăng lên 2,39 lần và 75% nhờ tất cả các kỳ hạn đều được gọi thầu thành công. Lợi suất trúng thầu hầu như không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó, dao động từ 2,1% đến 2,8% cho các kỳ hạn 10, 15 và 20 năm.

Ngoài ra, cơ quan này cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong quý 1/2022 là 105 nghìn tỷ đồng – tăng 5% so với kế hoạch cùng kỳ năm trước. Trong đó, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung vào phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm (chiếm 71% kế hoạch).

Theo ước tính, nhu cầu tài trợ vốn chính phủ năm 2022 dự kiến vào khoảng 410 nghìn tỷ đồng để đáp ứng 372 nghìn tỷ đồng tài trợ thâm hụt ngân sách và 40 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đáo hạn. Đối với Gói hỗ trợ kinh tế 2022 – 2023, các phương án tài trợ có thể là từ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, hoặc Bộ Tài chính trực tiếp vay từ Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, nhiều khả năng nguồn cung trái phiếu Chính phủ sẽ cao hơn vào năm 2022. Tuy nhiên, các tác động đến lợi suất trúng thầu có thể sẽ hạn chế khi Ngân hàng Nhà nước có thể mua trực tiếp trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành để cấp vốn.