12:04 01/07/2021

Thanh khoản tăng vọt trở lại, VCB, VHM hết “nhiệm vụ”?

Kim Phong

Phiên đầu tiên của tháng 7 dường như đã khơi thông được dòng tiền margin. Thanh khoản hai sàn bật tăng cực mạnh và vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu thép tạo thanh khoản, nhưng các mã chứng khoán lại hưởng lợi nhất...

VN-Index mất trụ sáng nay nên chao đảo khá mạnh.
VN-Index mất trụ sáng nay nên chao đảo khá mạnh.

Phiên đầu tiên của tháng 7 dường như đã khơi thông được dòng tiền margin. Thanh khoản hai sàn bật tăng cực mạnh và vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu thép tạo thanh khoản, nhưng các mã chứng khoán lại hưởng lợi nhất.

Thị trường tăng nhẹ phiên sáng theo cách không dễ dàng. Các mã trụ đảo chiều khiến VN-Index chảo đảo khá mạnh. Tuy nhiên dòng tiền tốt hơn đã giúp độ rộng cân bằng trở lại.

Mở cửa VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,26%, sau đó có một nhịp giảm khá nhanh xuống 1402.18 điểm, giảm 0,45% so với tham chiếu khoảng 10h15. Tuy nhiên nửa còn lại của phiên sáng thị trường phục hồi tốt và có trụ, giúp chỉ số tăng nhẹ 4,01 điểm tương đương 0,28% so với tham chiếu.

Diễn biến chao đảo đầu phiên nói trên là do các cổ phiếu dẫn dắt biến động khá mạnh. VCB và VHM là hai mã quan trọng nhất mấy phiên vừa qua và đều vượt lên đỉnh cao lịch sử mới. Chỉ đến T+3 ngày hôm qua VHM đã lãi 5,26%, VCB lãi 3,4%. Thực ra nhịp tăng vượt đỉnh vừa rồi khiến các mã này lãi khá cao, như VCB trong 17 phiên, tăng 16,4%, VHM tăng hơn 12%. Do đó phiên sáng nay xuất hiện đợt bán khá mạnh.

VCB hiện đang giảm 0,86%, VHM giảm 0,42%, mức giảm chưa nhiều nhưng vốn hóa quá lớn cũng gây ảnh hưởng nhất định. Khoảng 1,5 điểm ở VN-Index đã mất đi do hai mã này giảm. Thêm SAB giảm 1,01%, BID giảm 0,32% cũng có ảnh hưởng nhất định.

Tuy nhiên độ rộng của HoSE cho thấy tình thế cân bằng tốt đối với cổ phiếu. Sàn này đang có 180 mã tăng/198 mã giảm. Trong nhóm Vn30 cũng có 13 mã tăng/10 mã giảm. Khác biệt chính là chỉ số này tăng 0,71%, mạnh hơn nhiều so với VN-Index.

Nhiều mã trụ đã quay lại ở chỉ số VN30. Đầu tiên là VPB, giá tăng vọt 3,25% với thang khoản khá lớn 22,1 triệu cổ trị giá 1.527 tỷ đồng. Thứ đến là HPG, tăng 1,75% với 25,6 triệu cổ trị giá 1.333 tỷ đồng. Hai mã này tạo thanh khoản quay lại thời kỳ đỉnh cao và cũng là hai mã duy nhất vượt ngưỡng ngàn tỷ đồng trong phiên sáng.

Các trụ còn lại kéo VN-Index khá là GVR tăng 3,29%, MSN tăng 2,53%, TCB tăng 1,14%. Nhóm ngân hàng thực tế không mạnh sáng nay, trừ VPB, TCB còn lại đều èo uột, giảm nhiều hơn tăng và tăng cũng rất nhẹ.

Nhóm chứng khoán giao dịch tưng bừng với kỳ vọng thanh khoản cao.
Nhóm chứng khoán giao dịch tưng bừng với kỳ vọng thanh khoản cao.

Nhóm cổ phiếu bùng nổ tốt nhất là các mã chứng khoán. Thị trường đang rất chờ đợi thanh khoản sẽ tăng trở lại sau khi kết thúc thời điểm chốt số liệu cuối quý 2. Hệ thống giao dịch mới cũng chuẩn bị vận hành. Do đó các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhỏ tăng tốt nhất. BSI kịch trần, AGR tăng 5,07%, CTS tăng 5,39%, BVS tăng 4,98%, MBS tăng 7,96%, SHS tăng 4,77%, SBS tăng 4,49%. Trong khi đó SSI tăng 2,36%, HCM tăng 2,74%VCI tăng 1,34%, VND tăng 3,15%...

Thanh khoản thị trường thật sự tăng mạnh trong phiên sáng nay trên cả hai sàn. HoSE khớp gần 14.817 tỷ đồng, tăng 49% so với sáng hôm qua. HNX khớp 2.347 tỷ đồng, tăng 106%. Tính chung hai sàn, mức khớp lệnh phiên sáng tăng 55% so với sáng hôm qua, lên mức cao nhất 11 phiên.

Nhóm cổ phiếu tạo thanh khoản chính vẫn là ngân hàng, thép. VPB, HPG, CTG, MBB, TCB là các cổ phiếu giao dịch lớn nhất tính theo giá trị. Dầu khí đóng góp PVS bên sàn HNX và chứng khoán có SSI, SHS, VND.

Mặc dù thanh khoản quay lại nhưng chỉ số chưa tăng ấn tượng do thiếu các mã đủ lớn để dẫn dắt. VPB và HPG chủ yếu đẩy VN30-Index, còn với VN-Index thì hơi đuối. Trong khi đó các trụ thật sự của chỉ số chính lại quá mờ nhạt: VNM tăng yếu 0,33%, VIC tham chiếu, GAS tăng 0,65%, chưa kể BID, CTG cùng giảm với VCB, VHM.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay xả rất lớn hai mã ngân hàng: VPB bị bán ròng 179 tỷ đồng, CTG bị bán ròng 102,6 tỷ đồng. HPG, NVL cũng bị bán khá nhiều. Phía mua có MSB, BID loanh quanh 20 tỷ đồng ròng. Tính chung HoSE vẫn bị bán ròng gần 54 tỷ đồng.