12:08 11/08/2021

Thanh khoản tiếp tục dồi dào, đến lượt VCB, VNM gây bất ngờ

Kim Phong

Thị trường tiếp tục được nhóm cổ phiếu lớn luân phiên nâng đỡ, VN-Index đang băng băng vượt ngưỡng 1370 điểm với thanh khoản tiếp tục tăng dần. Nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ bùng nổ liên tục...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không tăng nhiều, nhưng đủ để duy trì đà tăng ổn định ở chỉ số.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không tăng nhiều, nhưng đủ để duy trì đà tăng ổn định ở chỉ số.

Thị trường tiếp tục được nhóm cổ phiếu lớn luân phiên nâng đỡ, VN-Index đang băng băng vượt ngưỡng 1370 điểm với thanh khoản tiếp tục tăng dần.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn luân phiên tăng giá đang là diễn biến lý thú nhất. Mặc dù đà tăng ở các chỉ số không mạnh, nhưng xu hướng tăng đang tạo điều kiện cho nhiều cổ phiếu bùng nổ với dòng vốn đầu cơ chọn lọc.

Cổ phiếu dầu khí có tín hiệu yếu đi khá nhanh dù nhiều mã vẫn tăng. Áp lực bán xuất hiện đang éo giá nhiều cổ phiếu lùi đáng kể. GAS chốt phiên sáng vẫn có thể coi là trụ khi tăng 1,15% nhưng một đợt xả ngay tại đỉnh cao 2021 đã chặn đà đi lên của mã này. GAS đạt đỉnh cao ngay 30 phút đầu tiên, tăng tới 3,02%, nghĩa là sức ép đã đánh tụt giá xuống khoảng 1,8%.

PLX sụt giảm 0,37%, PVD đang tăng 2,04% nhưng giá đỉnh phiên sáng cũng đã là từ 10h. Vài mã dầu khí tiêu biểu sàn HNX cũng phân hóa: PVS đang giảm 0,37%, PVC tăng 2,06%. BSR vẫn tăng 1,99%, OIL tăng 3,05%... Nhìn chung các mã dầu khí đều có diễn biến trượt giá ở mức độ khác nhau trong nửa sau phiên sáng.

Cổ phiếu ngân hàng đã nổi trở lại và VCB phát huy vai trò vốn hóa lớn nhất nhóm khi tăng 2,42%. Đây đang là mức tăng mạnh nhất 16 phiên của VCB. Dường như việc khởi động chậm chạp nhất nhóm ngân hàng trong nhịp hồi này đã tạo lợi thế cho VCB. CTG chỉ tăng nhẹ 0,29%, BID tăng 0,81%, TCB tăng 1,15%, MBB tăng 1,01%, VPB tăng 0,69%, STB tăng 0,33%, HDB tăng 0,42%, TPB tăng 3,47%. Có thể thấy nhóm ngân hàng tuy tăng trên diện rộng nhưng cường độ cũng rất khác nhau.

Nhóm trụ còn lại chỉ sót VNM đang tăng đáng kể 2,01%. Cổ phiếu này đang tăng tốc trong hai phiên gần đây sau thời gian trì trệ kéo dài. Tuy vậy thực tế VNM vẫn chỉ đang dao động trong biên độ vốn đã kéo dài từ tháng 5 vừa qua. Mức cao nhất trong vùng đi ngang này là khoảng 94.000 đồng.

Diễn biến VN-Index sáng nay.
Diễn biến VN-Index sáng nay.

VN30-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,56% với 21 mã tăng/7 mã giảm. Rõ ràng là độ rộng rất tốt nhưng điểm số thì ít. Điều đó nghĩa là nhóm tăng giá cũng không có gì đột biến. Toàn sàn HoSE đang có 209 mã tăng/155 mã giảm nhưng VN-Index cũng chỉ tăng 0,6%, Midcap tăng 0,15%, Smallcap tăng 0,9%. Cả sàn HoSE có khoảng 100 mã đang tăng được trên 1%.

Mặt bằng tăng giá như vậy là không mạnh, nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường yếu. Dòng tiền đang tập trung đầu cơ rất mạnh mẽ vào các cổ phiếu nhỏ. Rổ VNSmallcap đang có 15 mã kịch trần trong khi toàn sàn có 24 mã. SBT, MHC, SJF, TNT, CCL, LSS, VTO, TCO... đều đang giao dịch kịch trần với thanh khoản lớn. Điều này càng chứng tỏ lịch sử đang lặp lại rằng khi thị trường được nhóm blue-chips ổn định giữ nhịp thì dòng tiền đầu cơ có cơ hội hoạt động rất mạnh. Nhóm cổ phiếu nhỏ có rất nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh cao lịch sử và xu hướng tăng cực mạnh như BFC, BCG, ADS, CNG, DVP...

Thanh khoản phiên sáng nay duy trì khá tốt, tương đương với sáng hôm qua khi khớp lệnh đạt 14.939 tỷ đồng. Trong đó sàn HoSE tăng gần 4%, đạt 12.955 tỷ đồng. Rổ VN30 với sự trở lại của cổ phiếu ngân hàng, cũng tăng giao dịch 16%. TCB, STB đang là hai mã thanh khoản nhất. Top 10 thanh khoản sàn này có thêm TPB, ACB, CTG, VPB, MBB.

Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng đột biến chứng chỉ quỹ FUEVFVND với quy mô hơn 155 tỷ đồng. SSI cũng bị xả ròng gần 121 tỷ đồng. Số còn lại bị bán ròng trong khoảng 20 tỷ đến trên 30 tỷ là VIC, VCI, GMD, MBB, HPG, VRE. Mua ròng không có mã nào đáng chú ý, cao nhất là STB cũng chưa tới 41 tỷ đồng. Tổng mức bán ròng sàn HoSE đang là 409,5 tỷ đồng.