Thành phố Cần Thơ ưu tiên phát triển 9 tuyến đường thủy nội địa trọng điểm, thúc đẩy liên kết vùng
Xác định TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng hướng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa trọng điểm nhằm thúc đẩy liên kết vùng...
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 phê duyệt Quy hoạch Thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó xác định TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
CỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Quy hoạch TP. Cần Thơ bao gồm toàn bộ thành phố Cần Thơ hiện hữu với tổng diện tích tự nhiên 1.440,40 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp quận huyện. Bao gồm: 5 quận là Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt; và 4 huyện là Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.
Quyết định 1516/QĐ-TTg xác định rõ mục tiêu của Quy hoạch TP. Cần Thơ đến năm 2030 như sau:
TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
TP. Cần Thơ có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Về kinh tế, đến năm 2023: TP. Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%.
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11 - 15%/năm. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2050: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Một số nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển, như: 1/ Thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu phát triển. 2/ Tái cấu trúc không gian đô thị, đặc biệt trong các quận trung tâm, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; tạo quỹ đất phát triển những khu vực trọng điểm cấp vùng về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, dịch vụ.
ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN 9 TUYẾN ĐƯỜNG THỦY, ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT VÙNG
Là một “đô thị sông nước”, Quy hoạch TP. Cần Thơ coi trọng việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, phát triển hệ thống giao thông đường thủy, đặc biệt là những dự án đường thủy trọng điểm nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng và toàn vùng.
Quan điểm chung: Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa lớn quan trọng của thành phố và nạo vét, duy tu, mở rộng các tuyến đường thủy nội địa còn lại để tăng cường vai trò vận tải thủy trên địa bàn các quận, huyện.
Song song, xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hóa lớn, trọng điểm trên sông Hậu, kênh Xà No, kênh Cái Sắn, sông Ô Môn, kênh Thị Đội - Ô Môn; các cảng thủy nội địa hành khách lớn, trọng điểm trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác. Hình thành các tuyến buýt đường thủy gắn với các cảng, bến trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác.
Cụ thể, 9 tuyến đường thủy nội địa trọng điểm, theo Phụ luc II bàn hành kèm Quyết định 1516/QĐ-TTg, sẽ được ưu tiên đầu tư, phát triển (do cấp thành phố quản lý) bao gồm:
1/ Tuyến sông Ba Láng: Có điểm đầu tại sông Cần Thơ (vàm Ba Láng) và điểm cuối tại kênh Trầu Hôi (quận Cái Răng). 2/ Rạch Phong Điền (sông Cần Thơ), có điểm đầu từ ngã ba Vàm Xáng đến điểm cuối tại rạch Cầu Nhiếm. 3/ Rạch Cầu Nhiếm, có điểm đầu tại ngã 3 rạch Cầu Nhiếm (huyện Phong Điền) và điểm cuối tại thị trấn Thới Lai. 4/ Sông Trà Nóc: Điểm đầu tại sông Hậu (quận Bình Thủy), điểm cuối tại sông Cần Thơ (quận Ô Môn). 5/ Kênh Thốt Nốt: Điểm đầu tại sông Hậu (quận Thốt Nốt), điểm cuối tại kênh ranh Hạt Kiên Giang. 6/ Kênh xáng Ô Môn (kênh Bà Đầm): Điểm đầu tại sông Ô Môn (huyện Thới Lai), điểm cuối tại kênh ranh Hạt Kiên Giang. 7/ Kênh KH8: Điểm đầu tại sông Cần Thơ, điểm cuối tại ranh tỉnh Kiên Giang. 8/ Kênh Bốn Tổng: Điểm đầu tại kênh Cái Sắn, điểm cuối tại kênh Thốt Nốt. 9/ Kênh Đứng: Điểm đầu tại sông Ô Môn, điểm cuối tại kênh Thốt Nốt.
Ngoài 9 tuyến trọng điểm nói trên, TP. Cần Thơ cũng đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa lớn quan trọng của thành phố và nạo vét, duy tu, mở rộng các tuyến đường thủy nội địa còn lại để tăng cường vai trò vận tải thủy trên địa bàn các quận, huyện.
Đối với các tuyến đường thủy nội địa do trung ương quản lý, sẽ được thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.