15:13 03/04/2024

Thành phố lớn nhất cả nước kỳ vọng tăng trưởng 8%

Hồng Vinh

“TP.HCM tiếp tục chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn,… nếu duy trì đà tăng trưởng như quý I, thành phố có thể đạt tăng trưởng năm 2024 là 7,5 - 8%...”

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý 1; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024 chiều 2/4.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý 1; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024 chiều 2/4.

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý 1; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024 chiều 2/4. 

GRDP TĂNG 6,54%, ĐẠT 406.345 TỶ ĐỒNG

Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư L cho biết, quý 1/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,66%, trong đó, công nghiệp tăng 5,37%, xây dựng tăng 7,92%; khu vực dịch vụ tăng 7,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,4%.

Tất cả các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,24%; giáo dục và đào tạo tăng 6,15%; bán buôn, bán lẻ tăng 5,68%; thông tin và truyền thông tăng 5,52%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 4,11%.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 270.264 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Ba tháng đầu năm 2024 cũng là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm trước, trong và sau tết nguyên đán, tuy nhiên, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố tăng 5,1% so với cùng kỳ, bao gồm: ngành khai khoáng tăng 22,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 10%; cung cấp nước và xử lý rác thải không thay đổi. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp ước đạt 5.029,6 tỷ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,12%).

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp hoặc không đạt; tăng trưởng tín dụng yếu; thu hút FDI giảm về quy mô vốn (giảm 7,61% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (hơn 20%). Mặc dù đã được nhận diện nhưng việc khắc phục 6 điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp, đề án lớn, dự án mới còn chậm.

Thời gian tới, UBND TP.HCM chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, cắt giảm quy trình thủ tục nội bộ.

Đồng thời, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 với 14 nhóm giải pháp trọng tâm và 74 nhiệm vụ cụ thể. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến… 

ĐẨY NHANH CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Từ kết quả đạt được trong quý 1/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi biểu dương các đơn vị đã có kết quả giải ngân tốt trong quý 1 và đánh giá cao vai trò thường trực của các sở, ngành. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị cần duy trì kết quả tốt ở quý 2 và các quý còn lại.

Về giải ngân vốn đầu tư công, quý 1 đạt trên 9.000 tỷ đồng và nhiệm vụ đến cuối năm là 73.000 tỷ đồng. Như vậy mỗi quý, TP.HCM phải giải ngân trên 24.000 tỷ, mỗi tháng trên 8.000 tỷ.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ rất nặng nề mà Thành phố cần phải tập trung, có sự phối hợp đồng bộ thì mới đạt được cái kết quả. TP.HCM tiếp tục đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024. Các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng, giải quyết các vướng mắc, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, ông Mãi cũng đề nghị tăng cường trách nhiệm các sở, ngành trong giải quyết các thủ tục có liên quan như thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư, giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quỹ nền nhà tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật...

Cụ thể, trong quý 2 phải giải ngân phần vốn bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2023 và cơ bản bàn giao mặt bằng để đủ điều kiện khởi công các dự án trong quý 3/2024. Các quận, huyện cần chuẩn bị kỹ các hồ sơ để giải ngân kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn. Trong đó có dự án rạch Xuyên Tâm, đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh); đường Vành đai 2, đoạn 1, đoạn 2 (TP. Thủ Đức); cầu đường Nguyễn Khoái (Quận 4); Metro số 2 (Quận 3); cao tốc Mộc Bài (huyện Củ Chi)…

UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư quán triệt, nghiêm túc triển khai theo đúng kế hoạch đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95%. Trong đó, đảm bảo toàn bộ dự án mới hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư trong quý 2 và đặt mục tiêu phấn đấu trong quý 2/2024 giải ngân không thấp hơn 30%.

Cùng với đó, triển khai nhiệm vụ theo chủ đề năm; đối với chuyển đổi số cần tập trung hoàn chỉnh các văn bản có liên quan đến dữ liệu và khai thác dữ liệu; Tập trung vận hành trung tâm điều hành thông minh IOC gắn với hệ thống giám sát của thành phố; Hệ thống điều phối vận hành chính quyền số, với mục tiêu đến năm 2025 chuyển hoạt động của nền hành chính lên nền tảng số…

Kết luận tại phiên họp tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý 1; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định nếu tiếp tục đà tăng trưởng như quý 1/2024 thì TP.HCM có thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 là 7,5 - 8%.