17:00 13/02/2023

Thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên

Phúc Minh

Năm 2023, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định những doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hiền.
Thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hiền.

Thông tin được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại Hội nghị trực tuyến về công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023, tổ chức ngày 13/2.

HƠN 17 TRIỆU NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Tại hội nghị, đánh giá về bức tranh chung trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, năm 2022, tại nhiều doanh nghiệp, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, do hậu quả của đại dịch Covid-19, đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đã tác động mạnh đến công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 1/2023, cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2023 tạm tính là 46,12 triệu người theo thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý 4/2022 của Tổng cục Thống kê); tăng 648.000 người so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, trên 15,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; trên 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, lần lượt tăng 4,2%, 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm y tế trên 88,9 triệu người người, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, dựa trên các nhận định của Chính phủ năm 2023 là năm với rất nhiều khó khăn tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia của ngành.

Tuy nhiên, ngành sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có để phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu từng địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm hay để triển khai, nhân rộng trong toàn đơn vị; kịp thời đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc để thực hiện hiệu quả các nội dung.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết ngành sẽ tận dụng mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có để hoàn thành tốt các chỉ tiêu. 
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết ngành sẽ tận dụng mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có để hoàn thành tốt các chỉ tiêu. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã tạm giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia năm 2023 đối với Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể như: Bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 892.000 người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 314.000 người, bảo hiểm y tế tăng 1,978 triệu người so với năm 2022.

KIÊN QUYẾT XỬ PHẠT CÁC HÀNH VI TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế; Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác. Qua đó để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu; tổ chức hội nghị khách hàng vận động theo nhóm người tham gia tiềm năng; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu.

Thực hiện phân công giao trách nhiệm theo dõi đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức dịch vụ thu cho từng lãnh đạo và cán bộ liên quan để đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng, và số tiền chậm đóng của những tháng trước.

Giải pháp đáng chú ý nữa là tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ; doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên. Đặc biệt, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đối tượng trong việc rà soát, lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế, bảo đảm kịp thời, phấn đấu đạt 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh sinh viên tham gia.

Phối hợp với cơ quan tài chính các cấp tham mưu với Ủy ban nhân dân hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia, đặc biệt là người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.