Thanh Hóa: Công ty con của Tập đoàn FLC đứng đầu trong danh sách nợ đọng bảo hiểm xã hội
Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nợ bảo hiểm với số tiền lên tới hàng chục tỷ. Thực trạng trên kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động...
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu tháng 1.2023, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 3.300 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hơn 466 tỉ đồng. Đáng chú ý có nhiều doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, với số tiền rất lớn.
Cụ thể như khối hành chính sự nghiệp, có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa (nợ 25 tháng), với số tiền hơn 3,5 tỉ đồng; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn (nợ 19 tháng) với số tiền 500 triệu đồng; Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng TP. Thanh Hóa (nợ 12 tháng), với số tiền 317 triệu đồng; Đoàn Quy hoạch và Thiết kế thuỷ lợi Thanh Hóa (nợ 4 tháng), với số tiền 136 triệu đồng; Trung tâm Phát triển Quỹ Đất thành phố Thanh Hoá (nợ 5 tháng), với số tiền 290 triệu đồng…
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; chưa phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện.
Trong đó, một số doanh nghiệp có số lao động nhiều, số tiền nợ lớn và thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 862 lao động (nợ 22 tháng), với số tiền hơn 18,8 tỉ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động (nợ 79 tháng - hơn 6 năm), với số tiền hơn 15,4 tỉ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 202 lao động (nợ 22 tháng), với số tiền hơn 6,3 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 5 có 70 lao động (nợ 52 tháng), với số tiền hơn 14,9 tỉ đồng.
Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 4 có 63 lao động (nợ 55 tháng), với số tiền hơn 9,2 tỉ đồng; Công ty TNHH Một thành viên JLG Vina có 102 lao động (nợ 31 tháng), với số tiền hơn 4 tỉ đồng; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone có 140 lao động (nợ 18 tháng), với số tiền 2,4 tỉ đồng…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có số nợ lớn, trong khi lao động còn lại ít hoặc đã giảm hết, thời gian nợ kéo dài. Điển hình như Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long còn 1 lao động (nợ hơn 7,6 tỉ đồng); Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 còn 2 lao động (nợ hơn 37,5 tỉ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 còn 1 lao động (nợ hơn 6,6 tỉ đồng); Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung còn 4 lao động (nợ hơn 1,2 tỉ đồng)…
Đặc biệt, một số doanh nghiệp hiện nay không còn văn phòng giao dịch, không hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa nhưng có số nợ lớn.
Cụ thể như, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (địa chỉ tầng 2 nhà Vimeco, lô E9 đường Phạm Hùng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội); Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 4 (địa chỉ tầng 3 Tòa nhà thương mại, KĐT Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội); Xí nghiệp Sông Đà 10.5 (lấy địa chỉ của Công ty CP Sông Đà 10).
Tình trạng chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu giám đốc các sở; trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; dành nguồn kinh phí để trích nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định; tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi Thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến chủ sử dụng lao động và cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị quyết liệt để đôn đốc nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ quan bảo hiểm đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp, đơn vị chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như: Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid - 19 đã được kiểm soát tuy nhiên nhiều đơn vị vẫn chưa phục hồi được, nhất là đơn vị có số lao động lớn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán; một số đơn vị chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án dẫn đến không nộp được tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ngoài ra, xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, một số đơn vị hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách nhà nước cũng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.