Thanh tra Chính phủ: Thu hồi đất đai bị tham nhũng chỉ đạt 14,29%
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, kết quả thu hồi đất đai bị tham nhũng chỉ đạt 14,29% so với yêu cầu. Điều này cho thấy, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước trong lĩnh vực đất đai là rất lớn.
Ngày 9/8, Thanh tra Chính phủ đã công bố báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2019 (PACA Index 2019).
Báo cáo này chỉ rõ, việc thu hồi và khắc phục hậu quả kinh tế do tham nhũng gây ra ở bất cứ địa phương nào cũng còn rất nhiều khó khăn. Trong khi công tác thu hồi tiền và tài sản tham nhũng đạt 64,59% thì công tác thu hồi đất đai bị tham nhũng đạt rất thấp, chỉ 14,29%.
Ngay cả tại địa phương mà kết quả xử lý hành vi tham nhũng nói riêng và công tác phòng, chống tham nhũng nói chung đạt kết quả tương đối cao như Hải Phòng thì việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng mới đạt 3,8% mức độ đáp ứng yêu cầu. Cùng với Hải Phòng, còn có 5 địa phương khác có tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp dưới 10% là Bạc Liêu, TP.Cần Thơ, Tuyên Quang, Cà Mau và Đắk Lắk.
“Việc đạt tỷ lệ thấp trong thu hồi đất đai tham nhũng ở cả biện pháp hành chính và biện pháp hình sự cho thấy rất nhiều khó khăn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng có liên quan đến đất đai, gây rất nhiều nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước ở nhiều địa phương hiện nay”, Thanh tra Chính phủ nhận định.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả của hệ thống cơ quan thanh tra trong việc phát hiện hành vi tham nhũng thông qua việc giải quyết, khiếu nại tố cáo và thanh tra, kiểm tra. Các địa phương cũng cần sớm ban hành và đẩy mạnh các cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát huy cơ chế khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng để khuyến khích người dân, xã hội… chung tay với nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng.
“Đối với việc xử lý hành vi tham nhũng, các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, kiên quyết chuyển xử lý hình sự đối với các cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan đơn vị khi bị phát hiện hành vi tham nhũng. Khi đã có đủ chứng cứ về cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, thì cần sớm áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để sớm thu hồi tài sản tham nhũng cũng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết.
Bên cạnh các biện pháp xử lý nghiêm minh và kịp thời, các địa phương cũng phải có các biện pháp tư pháp cần thiết để nâng cao hiệu qủa thu hồi tài sản tham nhũng qua các biện pháp thi hành án. Trong đó cần cân bằng giữa lợi ích quốc gia, không để tài sản tham nhũng bị thất thoát”, Thanh tra Chính phủ khuyến nghị.