16:40 19/07/2021

Đề nghị Thái Nguyên xử lý nghiêm những vi phạm về đất đai

Phan Nam

Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét điều chỉnh, thu hồi dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Điềm Thuỵ (khu B) và dự án đầu tư khu liên hợp chế biến Quaczit.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tại thông báo kết luận thanh tra số 1113/TB-TTCP công bố mới đây, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thái Nguyên kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh (giai đoạn 01/01/2010-31/12/2018). Đồng thời thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép khai thác khoáng sản và thực hiện các thủ tục thu hồi đất đối với dự án chậm tiến độ…

KIẾN NGHỊ THU HỒI 2 DỰ ÁN

Cụ thể, dự án đầu tiên được Thanh tra Chính phủ nhắc tới là dự án đầu tư khu liên hợp chế biến Quaczit tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai. Dự án này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định để phê duyệt dự án và chưa cấp giấy phép khai thác mỏ (là không có cơ sở).

Việc chuyển mục đích sử dụng 160.258 m2 đất quốc phòng sang đất sản xuất kinh doanh tại dự án này không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên, đến năm 2019, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 huyện Võ Nhai đã thể hiện khu vực đất thực hiện dự án.

“Đến nay, dự án đã chậm tiến độ 5 năm theo giấy chứng nhận đầu tư; Toàn bộ diện tích đất được giao không đưa vào sử dụng, là vi phạm pháp luật đất đai, thuộc trường hợp phải thu hồi đất của dự án theo quy định tại điều 64 Luật Đất đai 2013”,  Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Thứ hai là dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Điềm Thuỵ (khu B – 170ha). “Với dự án này, việc phê duyệt giá đất thô chưa có cơ sở hạ tầng để cho thuê theo quyết định 2157 năm 2014 của UBND Thái Nguyên là chưa đúng với quy hoạch chi tiết năm 2009 của tỉnh. Ngoài ra, giấy chứng nhận đầu tư bao gồm diện tích đất trung tâm điều hành, dịch vụ và đất nhà máy, kho tàng, tổng cộng gần 1.120m2 đã làm giảm tổng giá trị phát triển khu đất; Tổng giá trị tiền thuê đất do tính thiếu là gần 4,68 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ 75 tháng theo giấy chứng nhận đầu tư, cũng thuộc trường hợp phải thu hồi đất theo quy định  tại Luật Đất đai 2013” kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết.

LÀM RÕ VI PHẠM CỦA DOANH NGHIỆP

Cũng tại thông báo 1113/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xử lý vi phạm quy hoạch sử dụng đất của công ty Thép Đại Việt và công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại xuất nhập khẩu Gia Phát tại dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp số 3, cảng Đa Phúc, huyện Phổ Yên.

Giá thuê đất dự án này đã hết hạn từ 30/6/2018 nhưng UBND tỉnh chưa ban hành quyết định phê duyệt giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm và thực hiện ký tiếp hợp đồng thuê đất.

Ở tuyến đường giao thông số 5 giữa lô đất CN – 02 và lô đất CN – 04; tuyến đường số 04 giữa lô đất CN – 04 và CN – 06 (đều dài 210 m, rộng 11,5m); công ty Thép Đại Việt và công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại xuất nhập khẩu Gia Phát đã sử dụng xây dựng nhà xưởng và khuôn viên của công ty là không thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND Thái Nguyên chỉ đạo Giám đốc công an tỉnh làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty Cổ phần đầu tư APEC Thái Nguyên và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Được biết, ngoài khu công nghiệp Điềm Thuỵ,  APEC Thái Nguyên còn là chủ đầu tư dự án Khu dân cư số 5 phường Túc Duyên. Dự án này có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai khi tỉnh không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Thái Nguyên đã áp dụng cơ chế thanh toán tiền đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư cho nhà đầu tư bằng việc bù trừ tiền thu cấp quyền sử dụng đất đã có hạ tầng, thực chất là giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án. 

Đặc biệt, ở phần diện tích trên 4ha, có 6 ô tái định cư, còn 251 ô khác, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển nhượng (hiện đã xây dựng nhà kiên cố) khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là vi phạm Luật Đất đai về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng đất.

UBND tỉnh Thái Nguyên đối trừ số tiền trên 42 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị vào tiền sử dụng đất là không có cơ sở. Hơn nữa, phần diện tích doanh nghiệp đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng trên 3,2ha, nằm trong tổng diện tích trên 15,3ha bị thu hồi theo quyết định của tỉnh Thái Nguyên nay đã có một số ô xây dựng nhà kiên cố với tổng diện tích trên 10.000m2. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, điều này là vi phạm Luật Đất đai và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.