06:01 07/06/2012

Thảo luận tại nghị trường: “Dàn đều” hay cho “ra nhẽ”?

Nguyên Thảo

Thảo luận theo cách thức nào để mang lại hiệu quả cao nhất mà không khiến đại biểu “ấm ức” vẫn đang là bài toán rất khó

Thời gian dành cho phát biểu của mỗi đại biểu tại hội trường chỉ có 7 phút.
Thời gian dành cho phát biểu của mỗi đại biểu tại hội trường chỉ có 7 phút.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, cả ngày 7/5 Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Đây là nội dung không thể thiếu tại mỗi kỳ họp và thường được truyền hình, phát thanh trực tiếp, được cử tri đặc biệt quan tâm, không chỉ vì độ nóng của những vấn đề bức xúc của đời sống được phản ánh tại nghị trường, mà còn là cơ hội để giám sát hoạt động của những vị đại biểu do chính mình bầu ra. Đồng thời cũng là một kênh quan trọng để “cân đong đo đếm” hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, điều hành phiên thảo luận theo cách thức nào để mang lại hiệu quả cao nhất mà không khiến đại biểu “ấm ức” vẫn đang là bài toán rất khó.

Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (khi đó là Ủy viên Ủy ban - PV)  đã cho rằng, tại diễn đàn này các đại biểu phải thảo luận, tranh luận với nhau để tạo ra được sự thống nhất trong nhận định, đánh giá chung về nền kinh tế cũng như công tác điều hành của Chính phủ – cơ quan được Quốc hội giao quyền điều hành nền kinh tế của đất nước.
 
Tổng kết nhiệm kỳ trước, một số vị đại biểu cũng góp ý nên điều hành thảo luận theo hướng đi đến cùng một số vấn đề lớn, chứ không nên mời phát biểu theo thứ tự đăng ký theo cách lâu nay vẫn diễn ra.
 
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội ngay sáng 5/6 vừa qua, một số vị đại biểu vẫn đề nghị việc điều hành các nội dung thảo luận tại hội trường phải đảm bảo sự bình đẳng trong quá trình tham gia, phát biểu của các đại biểu theo thứ tự đăng ký trên máy điện tử. Vì việc được nghe ý kiến của các vị đại biểu là đại diện cho mọi vùng miền, mọi thành phần trong xã hội là hết sức cần thiết.

“Trong lĩnh vực này, theo tôi khó để xác định được đại biểu nào phát biểu chất lượng hơn đại biểu nào khi Quốc hội chưa nghe được ý kiến của họ”, một vị đại biểu đang công tác ở địa phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bài toán khó đang đặt ra là với quy định mỗi đại biểu chỉ có quyền phát biểu 7 phút như hiện nay, thường trong một ngày thảo luận chỉ có thể đủ thời gian cho hơn 30 lượt ý kiến. Điều này đã dẫn đến việc mỗi phiên thảo luận có truyền hình trực tiếp thì có một số vị đến sớm để bấm nút đăng ký hoặc nhờ người đến sớm bấm hộ để “giữ chỗ”.

Nhưng, ngoại trừ số ít đại biểu đầu tư tìm hiểu thật sâu một vấn đề nào đó để trình bày, còn đa số các ý kiến đã được chuẩn bị trước đều na ná như nhau, bắt đầu từ cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, nhấn mạnh một số kết quả, tuy nhiên còn một số tồn tại… mà thiếu hẳn sự tập trung phân tích tranh luận những vấn đề quan trọng.

Bởi vậy, cũng ngay tại phiên thảo luận sáng 5/6 nói trên, một vị đại biểu đã có hơn hai nhiệm kỳ hoạt động đề nghị cần đặt vấn đề thảo luận hội trường là nơi để các đoàn, các đại biểu bình đẳng, nói những tiếng nói của các địa phương, hay là diễn đàn để Quốc hội tranh luận, thảo luận một vấn đề mà đất nước quan tâm?

Nếu đặt vấn đề đây là nơi dành thời gian cho 500 con người thảo luận một vấn đề nào đó mà đất nước quan tâm, thì cách điều hành khác và sẽ thảo luận đến cùng, chứ không phải đến 17h sau đó viết giấy gửi lại. “Đại biểu Quốc hội chúng ta đại diện cho cả nước, chứ không phải địa phương nào hết, vấn đề cử tri cả nước quan tâm thì đại biểu quan tâm và phải có trách nhiệm thảo luận” , vị đại biểu này phân tích.

Thảo luận theo nhóm vấn đề cũng là ý kiến nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu đã có kinh nghiệm hoạt động nghị trường.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng khi chủ tọa phiên họp nêu vấn đề, đại biểu nào quan tâm mới nhấn nút phát biểu, xong mới chuyển sang nhóm vấn đề khác và lúc đó mới lại nhấn nút đăng ký lại. Theo đại biểu Phúc, biện pháp kỹ thuật hoàn toàn cho phép làm việc này, và có làm như vậy mới tạo được sự tranh luận, tránh trùng lặp trong phát biểu theo cách nhấn nút xếp hàng.

Đại biểu Phúc cho rằng, một trong các vấn đề cần thảo luận cho “ra nhẽ” của năm 2011 là nguyên nhân của lạm phát quá cao. Vì báo cáo của Chính phủ nói “kiềm chế được lạm phát” nhưng nói thế với dân thế thì khó, khi chỉ tiêu được Quốc hội thông qua là dưới 7% nhưng thực tế hơn 18% mà nói là “kiềm chế được” thì chưa thuyết phục.

Tiếp cận ở phía khác của thực tế thời gian có hạn nhưng lại nhiều đại biểu muốn xuất hiện, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng, người đã có hơn một nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội cho rằng, nên mừng chứ không nên coi là áp lực.

Đại biểu Hùng cho rằng, cũng không nên đặt vấn đề ý kiến ai quan trọng hay cần quan tâm hơn, vì thực tế đã chứng minh trong không ít trường hợp ý kiến của số ít lại là đúng. Theo ông, nên chọn vấn đề cử tri quan tâm và thực tiễn đang đòi hỏi cao nhất để thảo luận sâu tại hội trường. Còn lại phải nghĩ cách để làm sao mọi ý kiến đại biểu đều có thể đến với công chúng. Như tạo cho mỗi vị một không gian riêng trên trang thông tin điện tử chính thức hoặc một website riêng của Quốc hội. Sao cho ở đó cử tri có thể tìm thấy đầy đủ thông tin về hoạt động của vị đại biểu mà mình quan tâm, kể cả các phát biểu không có thời gian trình bày tại hội trường.

Vấn đề vừa được cử tri quan tâm vừa là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, với đại biểu Hùng chính là hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và điều hành lãi suất. Đây là những nội dung đã “đủ độ chín” để mổ xẻ và cần có chính sách mới.

Tập hợp các ý kiến thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội ở tuần đầu của kỳ họp này cũng cho thấy sức nóng của hai vấn đề này, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Nhiều vị đại biểu đã đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin việc tổng kết, đánh giá toàn diện, khách quan tình hình thực hiện chính sách thí điểm xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, chỉ rõ sai phạm, trách nhiệm cá nhân về những sai phạm ở các tập đoàn, tổng công ty. Đồng thời chỉ rõ các giải pháp để quản lý tốt hơn, kiểm soát được các tập đoàn kinh tế nhà nước, tránh sai phạm, gây bức xúc và sụt giảm niềm tin của cử tri với nhà nước.

Đồng thời, công khai dư nợ tín dụng theo lãi suất của từng ngân hàng để giúp Quốc hội đánh giá chính xác năng lực của các ngân hàng và ngân hàng nào đang thực sự giúp doanh nghiệp.