09:08 09/11/2023

Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023

Tường Bách

Nằm trên tuyến trải nghiệm chính của Lễ hội, Tháp Hàng Đậu cùng với Ga Gia Lâm, Ga Long Biên và nhà máy xe lửa Gia Lâm đều là những địa điểm lịch sử có tuổi đời hơn 100 năm, hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm tham quan độc đáo...

Nhà máy xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn sáng tạo trong tuyến trải nghiệm chính. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội
Nhà máy xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn sáng tạo trong tuyến trải nghiệm chính. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng vào năm 1894, trước cả khi cầu Long Biên được khởi công, là công trình cấp nước sinh hoạt trên ngã 6 phố Hàng Đậu – Hàng Than – Quán Thánh – Hàng Lược – Hàng Giấy – Phan Đình Phùng. Mục đích xây dựng Tháp nước Hàng Đậu là nhu cầu sử dụng nước đảm bảo vệ sinh và cung cấp nước cho nhà máy Yên Phụ vì quá trình quy hoạch của thực dân Pháp dẫn đến việc không thể sử dụng nước sông, ao làm nguồn nước sinh hoạt nên đất xây nhà máy cần có nguồn nước dễ khai thác, và gần nơi trú quân và cơ quan hành chính thuận lợi cho việc phục vụ.

Tháp nước xây bằng đá hộc, hình trụ tròn, đường kính 19 m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250 m3, yên vị trên đỉnh 8 bức tường đá, hệ thống đường ống dẫn lên, xuống có những van sắt. Tháp được chỉnh trang một vài lần, hiện vẫn giữ được hiện trạng ban đầu, nhưng 17 cửa sổ ở tầng một đã được bịt kín.

Sắp tới, nơi đây sẽ trở thành nơi trưng bày Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu được thực hiện bởi nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sỹ Nguyễn Đức Phương và cộng sự. Lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, trưng bày mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật thông qua hai hệ sắp đặt chủ chốt. Hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức trong bản thể, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên.

Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 1
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 2
 
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 3
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 4
 

Hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, các nguyên liệu đều được tái chế bởi rác thải đô thị, nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên. Qua đó, các tác giả muốn chuyển tải tới công chúng vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Từ đó, mỗi người cần có ý thức giữ gìn môi trường tự nhiên. Mặt khác, trưng bày sắp đặt “đánh thức” một di sản đô thị đã bị “ngủ quên” nhiều thập kỷ để tạo ra một không gian sáng tạo nghệ thuật phục vụ người dân Thủ đô và du khách tham quan, trải nghiệm.

Nghệ thuật trưng bày sắp đặt tại tháp nước Hàng Đậu là một trong các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, diễn ra từ ngày ngày 17 - 26/11. Ngoài vị trí này, nhóm kiến trúc sư, họa sĩ còn giới thiệu không gian nghệ thuật tại các công trình, di tích lịch sử như nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên, cầu Long Biên trong dịp lễ hội.

Với chủ đề “Dòng chảy”, tuyến trải nghiệm chính của mùa Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 vắt ngang qua dòng sông Hồng lịch sử – đánh thức di sản công nghiệp và kết nối cộng đồng gần lại bằng vô số hoạt động sáng tạo mới. Du khách có thể bắt đầu tại khu vực Vườn hoa Vạn Xuân, trải nghiệm các hoạt động sáng tạo, nghệ thuật, thể thao tại đây và tiến tới điểm di sản tháp nước Hàng Đậu với không gian trưng bày được tái thiết kế độc đáo.

Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 5
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 6
 
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 7
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cùng “dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - Ảnh 8
 
Bản vẽ phối cảnh “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” do TOOB Studio thiết kế tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
Bản vẽ phối cảnh “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” do TOOB Studio thiết kế tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Từ tháp nước Hàng Đậu, du khách di chuyển tới Ga Long Biên. Tại đây bạn ngồi uống cà phê thư giãn, chụp ảnh check in với view đường ray hoài cổ, rồi lên chuyến tàu khởi hành từ Ga Long Biên đến Ga Gia Lâm. Trải nghiệm đi tàu hoả là điểm kết nối đặc biệt dành riêng cho mùa lễ hội này. Từ hai bên cửa sổ toa tàu nơi bạn ngồi, dòng sông Hồng và bãi giữa cũng như khung cảnh hai bên sông hiện ra tuyệt đẹp.

Với những du khách thích đi bộ, vừa muốn được thong dong chiêm ngưỡng, vừa muốn vận động khỏe người, có thể đi bộ từ tháp nước Hàng Đậu đến Cầu Long Biên, đi bộ trên cầu để tận hưởng không khí, chụp tấm ảnh lưu niệm, rồi xuống khám phá khu vực bãi giữa sông Hồng. Tuyến khu vực cầu Long Biên sẽ là nơi diễn ra các sự kiện như đi xe đạp áo dài, chạy bộ theo chủ đề “Theo dòng chảy Di sản”, hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, một số triển lãm… để cảm nhận rõ hơn không khí hài hòa, tôn vinh thiên nhiên của Lễ hội.

Trong khi đó, Ga Gia Lâm là một địa điểm lịch sử có tuổi đời hơn 100 năm. Từ Ga Gia Lâm đi bộ vào Nhà máy xe lửa Gia Lâm chỉ 200 mét. Tại đây dự kiến sẽ diễn ra trưng bày về lịch sử nhà ga, cũng là điểm check in kiêm trạm thông tin về Lễ hội. Cuối cùng, điểm nhấn sáng tạo và mang đến trải nghiệm tuyệt nhất, truyền cảm hứng nhất trong tuyến chính mùa lễ hội năm nay chính là khu vực Nhà máy xe lửa Gia Lâm – một di sản công nghiệp nổi bật của thành phố Hà Nội. Đây sẽ là nơi diễn ra đêm khai mạc, bế mạc lễ hội, cùng hàng loạt sự kiện âm nhạc, thời trang, nghệ thuật sắp đặt độc đáo, các hội thảo, workshop, hội chợ, vui chơi...

Khảo sát không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để chuẩn bị cho Show diễn "Hành trình thời trang Hà Nội: Sáng tạo từ di sản".
Khảo sát không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để chuẩn bị cho Show diễn "Hành trình thời trang Hà Nội: Sáng tạo từ di sản".

Bên cạnh tuyến chính Lễ hội mà Ban tổ chức giới thiệu, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 bao gồm các Tuyến mạng lưới với rất nhiều các hoạt động diễn ra dọc theo dòng sông Hồng và khắp nơi trong thành phố cùng sự tham gia của các quận, huyện, thị xã và các không gian sáng tạo… Tuyến trải nghiệm của Lễ hội được kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị và sức sống mới cho di sản nói riêng, và Hà Nội nói chung trong quá trình tái thiết đô thị, thực hiện Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá Thủ đô – Hướng đến phát triển bền vững.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức bởi Sở VHTT Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc, với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và đơn vị liên quan.

 

Trước đó, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn Thành phố. Theo đó, bên cạnh 24 biệt thự cổ sẽ có 8 công trình kiến trúc đặc biệt khác cũng được ưu tiên kiểm định.

Danh mục 8 công trình kiến trúc cổ xây dựng từ trước năm 1954 được ưu tiên kiểm định, gồm: Báo Hà Nội Mới; Tháp nước Hàng Đậu; Trụ sở công an thành phố; Cột cờ Hà Nội; Trường THPT Phan Đình Phùng; Trường THPT Chu Văn An; Trường THPT Trần Phú; Trường THPT Việt Đức.