Thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng sẽ mua hàng Amazon trên TikTok?
Amazon hy vọng rằng việc bán hàng thông qua TikTok, Facebook, Instagram và Snapchat sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng chậm chạp của thương mại điện tử khi người mua sắm ở Mỹ cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh siêu lạm phát…
Theo tờ The Information, nhà bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Seattle đã tổ chức hai năm đàm phán căng thẳng với các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ lớn, để rồi kết thúc bằng một quan hệ hợp tác bất chấp sự bất đồng trong hàng ngũ lãnh đạo của Amazon.
Cụ thể, Andy Jassy, Giám đốc điều hành của Amazon, đã gặp riêng với người đồng cấp Meta là Mark Zuckerberg cũng như Giám đốc điều hành Snap là Evan Spiegel và Giám đốc điều hành TikTok là Shou Zi Chew để thảo luận về quan hệ đối tác trong khoảng thời gian 24 tháng.
Tuy nhiên, trước các cuộc họp, đã có cuộc tranh luận trong nội bộ Amazon về việc liệu có khôn ngoan khi hợp tác với các trang web khác hay không vì lo ngại rằng điều này sẽ khuyến khích người mua sắm trực tuyến chuyển sang các ứng dụng đó và không mua sản phẩm thông qua trang chủ của công ty.
Cổ phiếu của Amazon đã giao dịch ở mức thấp hơn 3% trong tháng qua sau khi báo cáo rằng tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến chậm lại trong quý 2 khi người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Những người ủng hộ động thái này cho rằng việc cho phép người mua hàng mua hàng trên Amazon thông qua các ứng dụng mạng xã hội sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Vào tháng 11, Amazon đã triển khai một sáng kiến có tên là "Project Handshake"(Dự án bắt tay) — theo đó, công ty bắt đầu chạy quảng cáo trên Facebook, Instagram cũng như Snapchat do Meta sở hữu, cung cấp cho người dùng cách mua hàng từ Amazon trong khi vẫn ở trong các ứng dụng đó.
Một phát ngôn viên của Amazon đã bác bỏ những lo ngại về tình trạng sụt giảm lưu lượng truy cập, nói với The New York Post rằng các quảng cáo trên mạng xã hội không làm khách hàng chuyển hướng khỏi ứng dụng của Amazon mà thay vào đó, giúp việc mua sản phẩm trở nên dễ dàng hơn ở sẵn nơi họ đang truy cập.
Động thái bán sản phẩm của Amazon thông qua các trang web của đối thủ cạnh tranh là một sự thay đổi lớn đối với gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến, nơi từ lâu đã truyền bá khái niệm biến trang chủ của công ty thành cửa hàng một cửa cho thương mại điện tử. Trong khi đó, những người hoài nghi lo ngại rằng việc cho phép các ứng dụng khác đóng vai trò là kênh trung gian cho người mua sắm trên Amazon có thể làm xói mòn sự thống trị của Amazon trong không gian thương mại điện tử.
Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, Amazon chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch mua hàng trực tuyến, theo eMarketer. Vì thế, TikTok cũng rất vui lòng ký kết thỏa thuận với Amazon cho phép người dùng có thể trực tiếp mua hàng từ gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ thông qua ứng dụng video ngắn phổ biến thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance. "Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Amazon để mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch và thú vị", TikTok viết trong một bài đăng, không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng thị trường quốc tế mà sự hợp tác này bao phủ.
Theo bài đăng, người dùng TikTok sẽ thấy các đề xuất sản phẩm của Amazon trên nguồn cấp dữ liệu Dành cho bạn (For You) của ứng dụng. Tại Mỹ, người dùng TikTok cũng sẽ thấy giá theo thời gian thực, ước tính thời gian giao hàng, thông tin chi tiết về sản phẩm và điều kiện đủ để sử dụng dịch vụ đăng ký trả phí Prime của Amazon. Để hoàn tất thanh toán một giao dịch mua mà không cần thoát khỏi ứng dụng TikTok, người dùng cần liên kết hồ sơ của họ với tài khoản Amazon.
Sự hợp tác giữa TikTok và Amazon phản ánh sự cạnh tranh gay gắt của hai nền tảng này với nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến Shein và nền tảng mua sắm giảm giá Temu, do chủ sở hữu Pinduoduo là công ty PDD Holdings điều hành. Tuy nhiên, thông báo về thỏa thuận của Amazon không nêu chi tiết về cách nó sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp thương mại điện tử TikTok Shop, nơi có hơn 500.000 thương nhân bán hàng cho người dùng Mỹ vào cuối năm 2023.
Amazon cũng đã ký kết một quan hệ đối tác tương tự với Pinterest trong tuần này, mở rộng mối quan hệ hiện có được thiết lập cuối năm 2023. Hợp tác với Pinterest và TikTok, nơi có 170 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Mỹ, sẽ cho phép Amazon thúc đẩy doanh thu của mình thông qua "mua sắm xã hội", công ty cho biết.
Song song với đó, Amazon sẽ thực hiện phí mùa cao điểm trên tất cả sản phẩm cho các dịch vụ hoàn thiện đơn hàng của người bán. Đây là năm thứ ba liên tiếp đơn vị áp dụng mức tăng trong kỳ nghỉ lễ. Phí sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10 đến ngày 14/1/2025 và có thể dao động từ thêm vài nghìn đến vài chục nghìn USD cho mỗi đơn hàng so với giai đoạn không cao điểm tùy thuộc vào kích thước của sản phẩm.
Mức phí được áp dụng cho dịch vụ hoàn thiện đơn hàng (FBA) của Amazon ở Mỹ và Canada, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng từ xa ở Bắc Mỹ, thực hiện đơn hàng đa kênh của Mỹ và đơn hàng mua bằng Prime. Amazon tính toán và tính phí khi các lô hàng rời khỏi trung tâm xử lý đơn hàng của mình. Vì vậy, các sản phẩm được vận chuyển từ ngày 15/10 sẽ có mức phí mùa cao điểm cao hơn, ngay cả khi các đơn đặt hàng được thực hiện trước ngày hoạt động, đại diện công ty cho biết.
Theo Supply Chain Dive, thực tế, các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon đã phải vật lộn với nhiều khoản phí mới và được điều chỉnh từ Amazon trong những năm gần đây khi công ty chuyển sang mô hình thực hiện đơn hàng được khu vực hóa. Chúng bao gồm phí cho mức tồn kho thấp và phí vận chuyển nội địa vào mạng lưới của công ty.
Giám đốc điều hành Amazon, Andy Jassy cho biết trong cuộc gọi báo cáo tài chính ngày 1/8, rằng người bán đã thích nghi với những thay đổi này. "Chúng tôi khuyến khích người bán gửi hàng của họ đến nhiều cơ sở nhập hàng của Amazon để họ có thể tiết kiệm tiền, đồng thời giúp chúng tôi tiết kiệm công sức. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng khi họ chịu phí vận chuyển giá thấp hơn và tốc độ giao hàng nhanh hơn", Jassy cho biết.
Mới đây Amazon cũng đã cho phép công chúng tham gia một chuyến tham quan tại cơ sở có trang bị robot ở Augny thuộc vùng Moselle của Pháp. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ của chuyến tham quan miễn phí, khách tham quan sẽ được nhân viên của Amazon dẫn đi qua kho hàng khổng lồ rộng 180.000 m² nơi có 4.000 người làm việc. Mục tiêu của chuyến tham quan này là để cho người dân thấy điều gì thực sự diễn ra sau mỗi cú nhấp chuột đặt hàng trên Amazon. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là nhằm thuyết phục mọi người về sự an toàn, dễ chịu của môi trường làm việc tại đây.