07:30 08/01/2009

Thất nghiệp gia tăng, chứng khoán Mỹ giảm sâu

Duy Cường

Ngày 7/1, chứng khoán Mỹ giảm khoảng 3% sau loạt tin xấu về tình hình việc làm và triển vọng doanh nghiệp được công bố

Ba chỉ số chứng khoán chính đã giảm xấp xỉ 3% trong ngày giao dịch 7/1 và trở thành ngày giảm điểm mạnh nhất trong tháng 1/2009 - Ảnh: AP.
Ba chỉ số chứng khoán chính đã giảm xấp xỉ 3% trong ngày giao dịch 7/1 và trở thành ngày giảm điểm mạnh nhất trong tháng 1/2009 - Ảnh: AP.
Ngày 7/1, chứng khoán Mỹ giảm xấp xỉ 3% sau loạt tin xấu về tình hình việc làm và triển vọng doanh nghiệp được công bố.

Hôm thứ Tư, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm 2,2% trong năm 2009, trước khi tăng trưởng trở lại ở mức 1,5% vào năm 2010. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 8,3% trong năm 2009 và 9% vào năm 2010.

Trong khi đó, thâm hụt ngân sách ở Mỹ - vốn thâm hụt 455 tỷ USD trong năm 2008, sẽ lên mức 1.186 tỷ USD trong năm tài khóa 2009, trước khi giảm xuống 703 tỷ USD vào năm 2010.

Liên quan đến tình hình việc làm ở các doanh nghiệp tư nhân Mỹ, báo cáo của ADP Employer Services vừa công bố cho thấy, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 693.000 việc làm trong tháng 12/2008 - tăng vọt so với mức dự báo cắt giảm 473.000 của giới phân tích đưa ra trước đó.

Với số lượng việc làm bị cắt giảm mạnh này, giới phân tích đã đưa ra nhận định về khả năng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 12/2008 sẽ tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ 6,7% trong tháng 11/2008. Số liệu cụ thể sẽ được công bố vào ngày 9/1.

Chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm mạnh nhất trong tháng

Tập đoàn Intel vừa công bố doanh thu của hãng đạt 8,2 tỷ USD trong quý 4/2008 – giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng này cũng cho biết đã bị thua lỗ từ hoạt động đầu tư cổ phiếu, mức chênh lệch lãi suất từ 1,1 – 1,2 tỷ USD.

Những tin tức về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng từ báo cáo của ADP đã tạo nên thông tin xấu cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, triển vọng về kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của Intel và nhà sản xuất nhôm lớn nhất ở Mỹ - Alcoa, đã kéo thị trường chứng khoán giảm sâu hơn.

Ba chỉ số chứng khoán chính đã giảm xấp xỉ 3% trong ngày giao dịch 7/1 và trở thành ngày giảm điểm mạnh nhất trong tháng 1/2009.

Cổ phiếu khối công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Intel công bố doanh thu của hãng giảm mạnh trong quý 4. Chốt phiên, chỉ số S&P Công nghệ trượt 3,7%, trong đó cổ phiếu Intel giảm 6,1% xuống 14,44 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Apple hạ 2,2%, cổ phiếu Microsoft mất 6%...

Khối tài chính cũng giảm mạnh khi chỉ số S&P Tài chính mất 5,1%, trong đó cổ phiếu của Morgan Stanley hạ 7,6%, cổ phiếu Goldman Sachs trượt 4,8%, Citigroup giảm 4,16%...

Trong ngày, giá dầu đã giảm mạnh khiến cổ phiếu khối năng lượng đi xuống, trong đó cổ phiếu của ExxonMobil trượt 2,6% xuống 78,25 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Chevron mất 4,4%.
Thất nghiệp gia tăng, chứng khoán Mỹ giảm sâu - Ảnh 1
Biểu đồ ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong ngày 7/1/2009 - Nguồn: G.Finance.

Kết thúc ngày giao dịch: chỉ số công nghiệp Dow Jones  giảm 245,40 điểm, tương đương -2,72%, đóng cửa ở mức 8.769,7.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 53,32 điểm, tương đương -3,23%, chốt ở mức 1.599,06.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 trượt 28,05 điểm, tương đương -3%, đóng cửa ở mức 906,65.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,17 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,03 tỷ cổ phiếu. Thị trường cứ có 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

Chứng khoán châu Âu mất điểm sau 6 ngày khởi sắc

Chứng khoán châu Âu đã giảm điểm hôm thứ Tư, chấm dứt chuỗi 6 ngày lên điểm liên tiếp trước đó. Những lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng cao và giá cả hàng hóa cơ bản giảm mạnh đã đẩy nhiều cổ phiếu giảm điểm, kéo toàn thị trường đi xuống.

Cổ phiếu khối năng lượng và khai mỏ dẫn đầu về biên độ giảm điểm, trong đó cổ phiếu BP hạ 5,8%, cổ phiếu BG Group, Royal Dutch Shell và Total giảm từ 4,25-5,1%; cổ phiếu khối khai mỏ như Anglo American, BHP Billiton, Eurasian Natural Resources và Rio Tinto giảm từ 4,9-5,95%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 131,41 điểm, tương đương -2,83%, đóng cửa ở mức 4.507,51, khối lượng giao dịch đạt 1,87 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức hạ 1,77%, khối lượng giao dịch đạt 29 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 1,48%, khối lượng giao dịch đạt 177,7 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Ấn Độ, Hồng Kông sụt giảm mạnh

Trong một diễn biến mới nhất ảnh hưởng đến thị trường Hồng Kông, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - xét về mặt tài sản, Bank of America vừa thông báo việc bán 13% cổ phần trong số 19% cổ phần mà họ đang nắm giữ tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Tổng số tiền mà Bank of America thu về từ đợt bán cổ phần này là 2,83 tỷ USD.

Hiện Temasek Holdings của Chính phủ Singapore cũng đang nắm giữ 9,9 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và có khả năng bán bất cứ lúc nào.

Thông tin này đã khiến cổ phiếu khối ngân hàng trên thị trường Hồng Kông giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc giảm 9%, cổ phiếu Ngân hàng Công thương Trung Quốc hạ 6,6%..., qua đó kéo toàn thị trường đi xuống.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng giảm 522,05 điểm, tương tương 3,37%, chốt ở mức 14.987,46.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã sụt giảm mạnh sau khi cựu Chủ tịch Công ty Satyam Computer Services thừa nhận đã thổi phồng về kết quả kinh doanh của công ty đến hết tháng 9/2008.

Ngay lập tức cổ phiếu của hãng giảm tới 81,69% và kéo 29 cổ phiếu khác trong chỉ số BSE 30 giảm mạnh. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số BSE 30 giảm 649,69 điểm, tương ứng - 6,29%, chốt ở mức 9.686,24.

Một thông báo phát đi từ truyền thông Nhật cho hay, Tokyo đang cân nhắc việc bơm tiền vào khoảng 40 ngân hàng hoặc hơn để đối phó với tình trạng gia tăng các khoản nợ xấu của những ngân hàng địa phương. Theo ước tính, khoảng 2 nghìn tỷ Yên (21,4 tỷ USD) sẽ được sử dụng trong đợt bơm tiền này.

Chứng khoán Nhật tiếp tục tăng mạnh hôm thứ Tư và kéo dài chuỗi ngày tăng điểm lên con số 7 – chuỗi tăng điểm dài nhất trong 3 năm qua, đưa mặt bằng chỉ số Nikkei 225 tăng thêm 8,5%. Như vậy, sau 7 phiên giao dịch qua, vốn hóa thị trường trên thị trường chứng khoán Tokyo đã tăng thêm 20 nghìn tỷ Yên.

Đồng Yên tiếp tục giảm giá so với USD nên đã thúc đẩy cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lên điểm. Trong đó, cổ phiếu Canon tăng 11,5%, cổ phiếu Sony lên 8,7%, cổ phiếu Honda tiến thêm 11%, cổ phiếu Toyota Motor, Nissan Motor có mức tăng lần lượt là 4,9% và 9,7%.

Các cổ phiếu ngân hàng địa phương cũng lên điểm mạnh, trong đó cổ phiếu Bank of Yokohama tăng 3,3%, cổ phiếu Aozora Bank tiến thêm 2,5%, cổ phiếu Tokyo Tomin Bank lên 8,3%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 158,4 điểm, tương đương 1,74%, chốt ở mức 9.239,24. Khối lượng giao dịch đạt 2,8 tỷ cổ phiếu, thị trường có 995 mã tăng điểm và có 620 mã giảm điểm.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc vẫn tăng điểm nhờ sự sức tăng của các cổ phiếu khối công nghệ và đưa chỉ số KOSPI tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 33,89 điểm, tương đương 2,84%, chốt ở mức 1.228,17.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,32%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 1,68%. Chỉ số ASX của Australia tăng 1,06%. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,68%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.952,89 8.769,70  Down245,40 Down2,72
Nasdaq 1.652,38 1.599,06 Down  53,32 Down3,23
S&P 500 934,70 906,65 Down  28,05 Down3,00
Anh FTSE 100 4.638,92 4.507,51  Down131,41  Down2,83
Đức DAX 5.026,31 4.937,47 Down  88,84 Down1,77
Pháp CAC 40 3.396,22 3.346,09 Down  50,13 Down1,48
Đài Loan Taiwan Weighted 4.727,26 4.789,84   Up  62,58 Up1,32
Nhật Nikkei 225 9.080,84 9.239,24 Up158,40 Up1,74
Hồng Kông Hang Seng 15.509,51 14.987,46   Down522,05 Down3,37
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.194,28 1.228,17 Up  33,89 Up2,84
Singapore Straits Times 1.913,79 1.881,53 Down  32,13 Down1,68
Trung Quốc Shanghai Composite 1.937,15 1.924,01 Down  13,13 Down0,68
Ấn Độ BSE 30 10.228,04 9.686,24 Down649,69 Down6,29
Australia ASX 3.689,20 3.728,20 Up  39,00 Up1,06
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg