14:07 17/05/2021

Thay khớp gối dạng "bản lề" lần đầu tiên áp dụng thành công tại Việt Nam

Hoài Phương

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp khối thì đầu trong khi vừa bị thoái hóa khớp gối, vừa tổn thương đa dây chằng...

Ê-kip bác sĩ đã sử dụng nhiều hình ảnh chụp chiếu khác nhau nhằm dựng hình toàn bộ khớp gối.
Ê-kip bác sĩ đã sử dụng nhiều hình ảnh chụp chiếu khác nhau nhằm dựng hình toàn bộ khớp gối.

Thay khớp gối toàn phần là biện pháp điều trị cuối cùng dùng để sửa chữa khớp gối bị hỏng nặng không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác. Thay khớp trên thực tế là thay bề mặt sụn khớp đã bị bào mòn bằng một lợp nhựa cao phân tử nhân tạo. Cho nên mọi vận động và chịu lực của khớp gối bây giờ sẽ do lớp nhựa nhân tạo này đảm trách. Chính vì vậy người bệnh đi đứng chịu lực không đau, vận động khớp gối được cải thiện rõ rệt.

Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa qua khoa đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhân nữ tên N.T.K.C (62 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị thoái hóa khớp gối trên nền một chấn thương cũ là đứt đa dây chằng. Và đây cũng là trường hợp thay khớp gối thì đầu, dạng bản lề lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Việt Nam.

Cách đây 3 năm, sau một vụ tai nạn giao thông, bà N.T.K.C bị trật khớp gối, tổn thương đa dây chằng. Bệnh nhân sau đó đã trải qua một quá trình điều trị kéo dài ở nhiều bệnh viện khác nhau tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác, nhưng vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.

Ê-kip bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua 3 giờ đồng hồ phẫu thuật thay khớp cho bệnh nhân.
Ê-kip bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua 3 giờ đồng hồ phẫu thuật thay khớp cho bệnh nhân.

Cuối cùng, bà N.T.K.C đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình tư vấn rõ về các tổn thương, lên phương án điều trị và sau đó được TS.BS Lê Văn Tuấn – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – trực tiếp phẫu thuật.

Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, ê-kip bác sĩ đã sử dụng nhiều hình ảnh chụp chiếu khác nhau nhằm dựng hình toàn bộ khớp gối. Các hình ảnh và thông tin sau đó được gửi đến cho đối tác tại Đức để chọn một khớp gối bằng titanium vừa vặn kích thước với khớp gối của bệnh nhân N.T.K.C.

Sau khi khớp gối được vận chuyển về Việt Nam, ê-kip bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua 3 giờ đồng hồ phẫu thuật và thay khớp thành công cho bệnh nhân. Sau 10 ngày hậu phẫu, hiện tại bệnh nhân N.T.K.C đã có thể đi lại được và không còn bị đau ở khớp gối như trước.

BS CK1 Trần Phước Bình, khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam phẫu thuật thay khớp gối thì đầu, dạng bản lề trên một bệnh nhân vừa bị thoái hóa khớp gối, vừa bị tổn thương 3 dây chằng. Thông thường, với những trường hợp bị thoái hóa khớp gối và phải thay khớp gối thì đầu, các dây chằng vẫn còn nguyên. Nhưng với trường hợp này, các dây chằng đã bị tổn thương từ 3 năm trước và khớp gối đã rất lỏng lẻo, nên việc thay khớp gối cho bệnh nhân là không hề dễ”.

Hiện tại bệnh nhân đã có thể đi lại được và không còn bị đau ở khớp gối như trước.
Hiện tại bệnh nhân đã có thể đi lại được và không còn bị đau ở khớp gối như trước.

Về hướng điều trị sắp tới, theo bác sĩ Phước Bình, khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên kế hoạch tập vật lý trị liệu cho bà N.T.K.C nhằm giúp bệnh nhân phục hồi lại khớp gối, phục hồi lại dáng đi để có thể sớm đi đứng, sinh hoạt trở lại một cách bình thường.

Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào hôm nay, 17/5/2021.

 

Những rủi ro làm gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi, giãn hoặc đứt dây chằng... đều khiến sụn bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến lệch trục khớp, gây thoái hóa từ từ. Các triệu chứng thông thường của thoái hóa khớp gối bao gồm:

- Đau mặt trước hoặc trong khớp gối, cơn đau tăng khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng. Lúc đầu sẽ xuất hiện các cơn đau nhức đầu gối, lâu dần cơn đau sẽ tăng và kéo dài.

- Khớp cứng và khó cử động sau khi ở yên một chỗ lâu. Mất linh hoạt.
Khớp gối có thể bị sưng to.

- Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X, người bệnh có thể bị mất chức năng vận động.