14:46 23/09/2011

Thế giới “có thể đang ở đêm trước của khủng hoảng”

Kiều Oanh

Nỗi lo khủng hoảng nợ công châu Âu và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ cuốn phăng 10 nghìn tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán thế giới

Chỉ số MSCI All-Country World Index gồm 45 quốc gia lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua rơi vào địa hạt thị trường giá xuống.
Chỉ số MSCI All-Country World Index gồm 45 quốc gia lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua rơi vào địa hạt thị trường giá xuống.
Chỉ số MSCI All-Country World Index gồm 45 quốc gia lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua rơi vào địa hạt thị trường giá xuống (bear market). Từ tháng 5 tới nay, nỗi lo khủng hoảng nợ công châu Âu và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đã cuốn phăng 10.000 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán thế giới.

Hãng tin Bloomberg cho biết, kể từ mức đỉnh đạt được ngày 2/5, chỉ số MSCI All-Country World Index đã giảm hơn 20%, theo đó được coi là bước vào trạng thái thị trường giá xuống. Hôm qua (22/9), chỉ số này sụt 4,5%, xuống mức 277,38 điểm, thấp nhất trong 13 tháng.

Chỉ số MSCI World Index của các thị trường phát triển cũng rơi vào địa hạt thị trường giá xuống trong ngày hôm qua, sau khi lao dốc 4,2%. Trước đó, vào ngày 13/9, chỉ số MSCI Emerging Markets Index của các thị trường mới nổi cũng đã bước vào trạng thái thị trường giá xuống.

Phát biểu trên kênh Bloomberg, ông Mohamed El- Erian, Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư Pacific Investment Management Co., nhận định, thế giới đang đối mặt nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 21/9 cho rằng, đang tồn tại những “rủi ro suy giảm lớn” trong nền kinh tế Mỹ. FED theo đó đã công bố một kế hoạch trị giá 400 tỷ, trong đó định chế này sẽ giảm nắm giữ các tái phiếu ngắn hạn và tăng nắm giữ các trái phiếu dài hạn, để hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng.

“Mức giá cổ phiếu trên thị trường đang phản ánh một cuộc suy thoái. Cổ phiếu xem chừng là rẻ, nhưng chỉ có những nhà đầu tư dũng cảm lắm mới tin điều này. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia của Hy Lạp là mối lo lớn nhất”, ông Ng Soo Nam, Giám đốc điều hành công ty Nikko Asset Management Co., ở Singapore, nhận định với Bloomberg.

Riêng từ ngày 22/7 tới nay, chỉ số MSCI All-Country World Index đã sụt 19,8%. Tốc độ lao dốc của hàn thử biểu này gia tăng sau khi hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm nợ công của Mỹ, thị trường rộ tin đồn Athens chuẩn bị vỡ nợ, và lạm phát tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 3 năm.

Sự sụt giảm nói trên đã đẩy hệ số giá/thu nhập (P/E) của MSCI All-Country World Index xuống 11,4%, thấp nhất kể từ tháng 3/2009, đồng thời thấp hơn 46% so với mức bình quân của 16 năm - theo số liệu của Bloomberg.

Chỉ số S&P 500 của thị trường Phố Wall từ ngày 29/4 tới nay đã giảm 17%, bất chấp giới phân tích dự báo mức lợi nhuận bình quân của các cổ phiếu trong chỉ số này sẽ đạt mức kỷ lục 99,34 USD/cổ phiếu vào năm nay.

Trong số 24 thị trường phát triển thuộc MSCI World Index thì chỉ còn 5 thị trường là Mỹ, Anh, Canada, Singapore và New Zealand là chưa bước vào thị trường giá xuống. Còn trong 21 thị trường mới nổi thuộc MSCI Emerging Markets Index, cũng chỉ có 8 thị trường là chưa chạm tới mức điều chỉnh giảm 20% từ đỉnh gần nhất.

Những thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới kể từ ngày 2/5 - thời điểm mà MSCI All-Country World Index đạt đỉnh gần nhất - phải kể tới Hy Lạp giảm 42%, Italy giảm 40%, Hungary 38%... Các thị trường ở châu Á cũng lao dốc mạnh, như Thượng Hải sụt 23% kể từ mức đỉnh hồi tháng 11/2010, chỉ số Topix của Nhật giảm 25% kể từ tháng 4/2010…

Trước đợt trượt dốc này, thị trường chứng khoán toàn cầu đã ở trong trạng thái thị trường giá lên (bull market) kể từ tháng 3/2009, với mức tăng có thời điểm lên tới 107% của chỉ số MSCI All-Country World Index. Một động cơ quan trọng cho đợt tăng điểm này bắt nguồn từ việc FED tung 600 tỷ USD để mua trái phiếu hồi tháng 8/2010.

Các cổ phiếu tài chính một lần nữa là nhóm mất giá mạnh nhất trong đợt đổ dốc này của thị trường. Bloomberg cho hay, cổ phiếu các nhà băng, công ty môi giới và hãng bảo hiểm trong MSCI All-Country World Index đã giảm 31% kể từ ngày 2/5. Trong đó giảm giá mạnh nhất là cổ phiếu của ngân hàng EFG Eurobank Ergasias có trụ sở ở Athens, kế đó là “đại gia” Societe Generale của Pháp với mức giảm 66%.

Ở lần thị trường giá xuống gần đây nhất hồi năm 2008, kéo dài trong 16 tháng, hơn 37.000 tỷ USD đã bị cuốn khỏi chỉ số MSCI All-Country World Index. Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính giảm giá 77% sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.

“Chúng ta có thể đang ở đêm trước của một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo. Có những việc có thể làm để chặn đứng cuộc khủng hoảng này, nhưng chẳng có tín hiệu nào cho thấy các nhà chức trách sẽ làm những việc đó”, ông Barton Biggs, người đồng sáng lập quỹ đầu cơ Trasix Parnters LP có trụ sở ở New York, nói với Bloomberg.