09:19 25/10/2011

Thế giới đang nuôi mộng ảo?

Hồng Ngọc

Cuộc đấu khẩu giữa hai nhà lãnh đạo Anh, Pháp ngay ở hội nghị thượng đỉnh hôm 23/10 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron.
Mặc dù không hề có một quyết định cụ thể nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hôm 23/10 vừa qua, song giới đầu tư trên các thị trường hàng hóa như vàng, dầu, chứng khoán đều đồng loạt phản ứng tích cực. Nhiều nhà phân tích cho biết, các thị trường hàng hóa sẽ còn kéo dài đà khởi sắc cho tới trước cuộc họp ngày 26/10.

Theo thông báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tiến hành thảo luận về ba vấn đề chính, gồm việc ổn định tình hình kinh tế Hy Lạp, tái cơ cấu vốn của các ngân hàng trong khu vực và mở rộng quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu. Dự kiến, các nội dung chi tiết sẽ được đưa ra trong ngày 26/10.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, hội nghị đã khai thông được 2 vấn đề phức tạp gây tranh cãi lâu nay, gồm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Hy Lạp và đảm bảo để các ngân hàng có đủ nguồn lực vượt qua những thiệt hại do nắm giữ phần nợ của Hy Lạp, cũng như các nền kinh tế yếu kém khác trong khu vực.

Hiện lãnh đạo Liên minh châu Âu đang tìm cách thuyết phục hệ thống tài chíng ngân hàng chấp nhận phần thiệt hại ít nhất 50% lượng trái phiếu chính phủ mà họ nắm giữ của Athens. Liên minh cũng muốn các nhà băng tăng dự trữ vốn, ước tính lên tới 107 tới 108 tỷ Euro, để đảm bảo không bị sa lầy bởi những thiệt hại từ khoản trái phiếu trên.

Liên minh châu Âu cũng đã thống nhất lập trường khi tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày 3 - 4/11 tới ở Cannes, Pháp. Theo đó, khối này kêu gọi cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, tăng cường việc điều phối tài chính và giải quyết tình trạng giá hàng hóa biến động quá mức.

Nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng nợ công tái diễn, Liên minh châu Âu cam kết sẵn sàng thay đổi các hiệp ước của tổ chức này, tạo điều kiện pháp lý để Khu vực đồng tiền chung châu Âu hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn, đồng thời siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước vi phạm các quy định của Liên minh.

Theo những nội dung đã được tuyên bố ở trên, thì rõ ràng là, cho dù không hề có bất cứ quyết định cụ thể nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã có một bước chuẩn bị tốt cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới của nhóm, với kỳ vọng đạt được một "gói giải pháp toàn diện" cho khủng hoảng nợ.

Và đó cũng chính là lý do khiến giới đầu tư trên các thị trường hàng hóa đêm qua phản ứng tích cực, nâng giá vàng, dầu, chứng khoán đồng loạt leo dốc.

Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Mỹ, chốt ngày giao dịch 24/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,89%. S&P 500 tăng 1,29%. Nasdaq cộng 2,35%.  Tuy nhiên, phản ứng rõ nét hơn với các tin tức trên là các thị trường chứng khoán châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh tiến 1,08%. Chỉ số DAX của Đức tăng 1,41% và CAC 40 của Pháp nhảy vọt 1,55%.

Trên thị trường dầu thô, chốt ngày giao dịch 24/10, giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 12/2011 tăng 3,87 USD, tương ứng 4,4%, lên 91,27 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức chốt theo ngày cao nhất của giá dầu loại này kể từ hôm 3/8 tới nay. Các mặt hàng năng lượng khác như xăng, dầu sưởi cũng có sự biến động theo chiều lên, nhưng biên độ tăng không đáng kể.

Trên thị trường kim loại, giá vàng tương lai phục hồi và giá đồng bật tăng mạnh mẽ. Trong đó, giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng 16,20 USD/ounce, tương ứng 1%, lên 1.652,30 USD/ounce. Giá đồng giao tháng 12 tăng 7% lên 3,45 USD/lb, mức tăng một ngày mạnh nhất kể từ tháng 2/2009. Kim loại đỏ này đã tăng gần 13% trong hai phiên vừa qua.

Nhiều chuyên gia phân tích kinh tế còn dự báo, các thị trường sẽ còn duy trì đà phản ứng tích cực này cho tới hội nghị thượng đỉnh ngày 26/10, bởi nhà đầu tư cảm thấy an tâm về giải pháp toàn diện cho khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ đạt được sự nhất trí thông qua của các quan chức lãnh đạo Liên minh châu Âu trong cuộc họp sắp tới.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc họp ngày 23/10, có vẻ như giới đầu tư đã vui mừng quá sớm, bởi không chỉ không có quyết định cụ thể nào được đưa ra tại hội nghị, mà bầu không khí chia rẽ dường như chiếm phần không gian rộng lớn hơn so với tinh thần hợp tác, quyết tâm tiễu trừ khủng hoảng nợ công, mà đỉnh điểm là cuộc đấu khẩu giữa lãnh đạo Anh và Pháp ngay trên bàn hội nghị.

Tranh cãi nổ ra sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói rằng sẽ chỉ có 17 lãnh đạo của các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu tham gia vào cuộc họp kế tiếp. Trong khi, người từng sát cánh với ông trong cuộc chiến Libya, Thủ tướng Anh David Cameron lại mong muốn cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ có chân trong cuộc họp này.

Theo hãng tin BBC, ông Sarkozy đã sẵng giọng với ông Cameron rằng: “Chúng tôi đã chán ngấy vì phải nghe các ông chỉ trích và khuyên bảo phải làm gì. Các ông bảo ghét đồng Euro và không muốn gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu, vậy sao bây giờ các ông lại đòi chen chân vào những cuộc họp của chúng tôi”.

Tiếp đó, trong cuộc họp báo cuối phiên họp, Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi lãnh đạo các nước thuộc Khu vực đồng Euro có trách nhiệm đưa ra một phản ứng đáng tin cậy, nhằm phục hồi lòng tin của thị trường vào đồng tiền chung. Theo ông, cuộc khủng hoảng này cũng có tác động tới toàn bộ 27 thành viên Liên minh châu Âu.

“Mặc dù nước Anh không nằm trong Khu vực các nước sử dụng đồng Euro, cũng như không có ý định gia nhập khối này, nhưng việc có một đồng Euro khỏe mạnh cũng là lợi ích của nước Anh”, ông Cameron tuyên bố trong cuộc họp báo cuối ngày 23/10. Ông cũng khẳng định, “cần phải có nhiều tiến triển trong những ngày tới. Sẽ có một cuộc họp vào thứ tư (26/10) và tôi sẽ có mặt tại đó”.

Màn tranh cãi giữa hai nhà lãnh đạo Anh, Pháp trên thực tế chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, cho thấy sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu và một bên là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu nhưng không dùng chung đồng Euro.

Theo Thủ tướng Anh David Cameron, mâu thuẫn giữa hai bên nảy sinh từ vấn đề 17 quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu thảo luận các chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế mà không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh, trong khi nhiều ý kiến cho rằng, mọi quyết định của Khu vực đồng Euro phải tôn trọng tính hợp nhất của toàn bộ liên minh.

Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho rằng, các nước dùng đồng Euro không thể tự đẩy mình vào chân tường rồi lại thông qua những quyết sách ảnh hưởng đến toàn bộ Liên minh châu Âu. Ngay hai thành viên nhóm dùng đồng Euro là Hà Lan và Phần Lan cũng cho rằng, tất cả 27 thành viên Liên minh châu Âu đều phải được tham gia quyết định các kế hoạch có ảnh hưởng tới nền kinh tế lục địa.

Chưa hết, hội nghị còn bộc lộ rõ sự khác biệt về quan điểm giữa hai nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu là Pháp và Đức. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất tăng vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu bằng cách cho phép quỹ này có thể vay tiền không hạn chế (có thể lên tới 2.000 tỷ euro) từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm đối phó với khủng hoảng.

Tuy nhiên, đề xuất này này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Đức, do Berlin lo ngại biện pháp đó sẽ buộc ECB in thêm tiền và không thể bảo đảm sự ổn định của đồng Euro. Bên cạnh đó, biện pháp nói trên cũng sẽ tăng rủi ro cho Đức. Do vậy, Đức đã đề nghị đưa quỹ này thành một công ty bảo hiểm tín dụng, chịu trách nhiệm phần trăm nhất định của các trái phiếu chính phủ mà các nước mắc nợ bán trên thị trường.

Đức và Pháp cũng bất đồng về mức độ thiệt hại của những nước nắm giữ nợ của Hy Lạp và vấn đề nâng dự trữ của các ngân hàng châu Âu. Ông Sarkozy muốn giúp các ngân hàng đang có nguy cơ vỡ nợ bằng nguồn tài chính từ quỹ trên, nhưng Thủ tướng Đức cho rằng trước hết các ngân hàng phải tăng vốn của họ từ các nguồn riêng, sau đó mới đến nguồn ngân sách của các chính phủ, và chỉ sử dụng nguồn tiền từ quỹ khi cần thiết.

Như vậy, nói một cách khác, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tuy có đạt được một vài tiến triển nhỏ, nhưng mâu thuẫn lại có phần bị khoét sâu hơn. Do đó, việc đạt được một thỏa thuận chung nhất cho "giải pháp toàn diện" như thị trường đang kỳ vọng, sẽ gặp không ít khó khăn. Và nếu như mâu thuẫn không được giải quyết, thì thế giới lại thêm một lần nuôi mộng ảo.