07:45 31/10/2011

Thế giới tuần qua: Nhà đầu tư đã có thể “kê cao gối”?

Diệp Anh

Thỏa thuận từ châu Âu và tăng trưởng kinh tế Mỹ liệu đã đủ giúp nhà đầu tư bớt thấp thỏm hàng đêm trước mỗi phiên giao dịch

Cảnh những nhà đầu tư đang lo lắng như thế này sẽ không còn nữa?
Cảnh những nhà đầu tư đang lo lắng như thế này sẽ không còn nữa?
Việc châu Âu đạt được đồng thuận trong việc giải cứu khu vực ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và việc kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng mạnh đã giúp giới đầu tư quốc tế lấy lại được niềm tin về triển vọng kinh tế thế giới.

Phải chăng đã tới lúc, nhà đầu tư đã có thể yên tâm "kê cao gối" mà ngủ, khỏi cần thấp thỏm trước giờ giao dịch như những đêm trước đó?

Thỏa thuận hiếm có

Kết quả hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần hai tại Brussels (Bỉ) hôm 26/10 có thể nói là ngoài mong đợi, bởi lẽ trước đó vô số ý kiến nhận định đều cho rằng, cuộc họp này sẽ không đi tới đâu, nhất là sau khi có tin cho biết các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro hủy cuộc họp diễn ra liền kề.

Hội nghị đã thông qua được một thỏa thuận quan trọng với ba điểm chính, giúp xoa dịu được những lo ngại của nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa về nguy cơ sụp đổ của Khu vực đồng Euro gồm 17 thành viên, nhưng quan trọng hơn cả là giúp nhà đầu tư bớt lo lắng về sự lung lay của hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo nội dung thỏa thuận, các nhà cho vay tư nhân chấp thuận xóa 50% khoản nợ cho Hy Lạp, cao hơn hai lần so với mức 21% đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Khu vực đồng Euro hồi tháng 7. Động thái này được xem là sẽ giúp Hy Lạp củng cổ nền tài chính và nhẹ gánh nợ nần đang ở mức 160% GDP.

Giới chức châu Âu cũng nhất trí tăng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu của các nhà băng trong khu vực lên 9%, nhằm đảm bảo các ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu Hy Lạp không bị ảnh hưởng trong trường hợp quốc gia này tái cấu trúc nợ.

Theo Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu, số tiền cần thiết cho các ngân hàng sẽ lên tới 106 tỷ Euro, trong đó riêng các nhà băng của Hy Lạp sẽ cần thêm 30 tỷ Euro; Tây Ban Nha 26 tỷ Euro; Italy 14,8 tỷ Euro. Các ngân hàng cần huy động vốn tư nhân trước bằng tái cơ cấu hoặc chuyển nợ thành cổ phiếu.

Trong trường hợp các ngân hàng không thể tự huy động đủ phần vốn yêu cầu, chính phủ các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm hỗ trợ giải quyết. Và một khi các quốc gia không thể chìa tay giúp đỡ, Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ hỗ trợ thông qua một khoản vay.

Vấn đề then chốt thứ 3 trong thỏa thuận và cũng là điều quan trọng nhất được thị trường quan tâm là việc nâng quy mô nguồn vốn của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu từ 440 tỷ Euro lên 1.000 tỷ Euro. Hiện quỹ này chỉ còn 290 tỷ Euro, do phải chi cứu Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Giới chức châu Âu hy vọng với khoản tiền mới, quỹ trên có thể mở rộng phạm vi hoạt động cứu trợ cho các quốc gia có nguy cơ bị nợ công đe dọa, chẳng hạn như ở hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Italy và Tây Ban Nha.

Việc mở rộng quỹ này có thể được thực hiện bằng cách bảo lãnh cho các nhà đầu tư mua trái phiếu nợ các nước Khu vực đồng Euro hoặc thông qua một quỹ đầu tư đặc biệt với vốn được thu hút từ các nước ngoài khối như từ khối BRICS gồm Trung Quốc hay Brazil...

3 nội dung thỏa thuận trên ngay sau khi được công bố đã giúp giá trị đồng Euro tăng mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Nhiều nhà phân tích đã đánh giá bước đi này của châu Âu là hiếm có, mở ra một "kỷ nguyên mới" cho tương lai của Khu vực đồng Euro và toàn bộ Liên minh châu Âu.

Bất ngờ tăng trưởng

Nếu như thỏa thuận ở châu Âu là ngoài mong đợi, thì báo cáo tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng lại là một sự bất ngờ khác. Theo báo cáo ngày 27/10 của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP quý 3 của nền kinh tế này là 2,5%, gần gấp đôi quý 2 và là mức tăng cao nhất trong 12 tháng qua.

Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng mạnh chủ yếu là nhờ cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều tăng chi tiêu, trong khi thâm hụt thương mại giảm và các khoản chi của chính phủ tăng.

Cụ thể, trong quý vừa qua, chi tiêu tiêu dùng tại nước này tăng 2,4%, cao hơn nhiều so với mức 0,7% trong quý 2/2011. Đây cũng là mức tăng nhanh nhất trong một năm, đặc biệt là đối với các sản phẩm lâu bền như ô tô và tủ lạnh.

Trong khi đó, đầu tư của các doanh nghiệp vào các lĩnh vực không thuộc bất động sản tăng 16,3%, cũng là mức tăng cao nhất kể từ một năm trước. Tỷ lệ lạm phát trong quý cũng đã giảm xuống 2,1%, so với 2,3% trong quý trước.

Theo báo cáo trên, tốc độ tăng GDP của Mỹ (gồm cả hàng hóa và dịch vụ) trong 3 tháng vừa qua cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ đạt 0,4% trong quý 1 và 1,3% trong quý 2/2011, và chỉ thấp hơn một chút so với mức dự báo 2,7% của các chuyên gia phân tích kinh tế.

Kết quả này đã góp phần xua tan mối quan ngại lâu nay về nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới lại rơi vào suy thoái. Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng điểm sau báo cáo này, cộng thêm tin tốt từ châu Âu trước đó một ngày. Đặc biệt thị trường chứng khoán Pháp đã tăng vọt tới 6,3%.

Đã bớt lo?

Diễn biến thị trường sau hai thông tin trên được công bố là rõ ràng, cho thấy niềm tin của giới đầu tư trên các thị trường hàng hóa quốc tế đã được cải thiện. Nhiều nhà phân tích lạc quan cho rằng, mối lo suy thoái kép và vỡ nợ công đã được giải trừ... nhưng thực tế, thị trường chỉ đi lên được một phiên rồi sau đó lại chao đảo ngay trong phiên kế tiếp.

Điều này không quá khó hiểu. Ở vấn đề châu Âu, thỏa thuận chỉ là một chuyện, thực hiện lại là một chuyện khác. Và thực hiện có vẻ là bài toán khó hơn nhiều so với những tuyên bố, mà vốn dĩ đã khó đạt được đồng thuận chung. Thậm chí cho người còn cho rằng, đây chỉ là một giải pháp tình thế để xoa dịu thị trường.

Các nhà phân tích kinh tế thuộc cơ quan nghiên cứu kinh tế Capital Economic, một trong những cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế hàng đầu trên thế giới, cũng bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp nói trên đối với tăng trưởng kinh tế của Eurozone - một yếu tố then chốt có thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực.

Capital Economic cho rằng, các biện pháp này chỉ có thể là giải pháp nhất thời chứ không giải quyết được cơ bản những căn nguyên dẫn đến khủng hoảng nợ công của Eurozone.

Tại Washington, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ tại quốc hội đã kêu gọi Tổng thống Obama không dành bất kỳ khoản đóng góp mới nào vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (như đã hứa) để cứu trợ cho các nước châu Âu bị khủng hoảng nợ công.

Người đứng đầu nhóm nghị sĩ này, Cathy McMorris Rodger, cho rằng, việc Mỹ tăng thêm viện trợ cho châu Âu vào thời điểm hiện nay là không thích hợp khi nợ của Mỹ cũng đã lên tới 15.000 tỷ USD, và một lý do nữa mà nghị sĩ này không muốn Mỹ cứu trợ EU bởi cho rằng EU là một đối thủ cạnh tranh kinh tế với Mỹ.

Việc nâng nguồn vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu cũng là một nan đề chưa có lời giải. Châu Âu đang muốn tạo ra một phương tiện đầu tư đặc biệt để huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, như Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Đông thông qua việc mua trái phiếu của các quốc gia mắc nợ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc huy động vốn từ các “nhà đầu tư ngoài châu Âu” là một vấn đề xem ra rất nhạy cảm về chính trị và khó có thể nêu ra cụ thể. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố ủng hộ EFSF nhưng Bắc Kinh vẫn chưa có cam kết cụ thể về tài chính hoặc sự hỗ trợ nào cho quỹ này.

Tại Mỹ, mặc dù kinh tế tăng trưởng, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp thì vẫn ở mức trên 9% trong 5 tháng. Các nhà kinh tế cho rằng, GDP của Mỹ cần tăng trưởng ổn định ở mức trên 2,5% thì mới đủ để hạ tỷ lệ thất nghiệp.

Hôm 27/10, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney đánh giá mặc dù kết quả GDP là khả quan và đáng khích lệ, song vẫn còn thấp và chưa đủ để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao (9,1%). Ông Carney cũng cho rằng nước Mỹ vẫn cần nhiều biện pháp thúc đẩy hơn nữa nhằm tạo công ăn việc làm và vực dậy nền kinh tế đang sa sút.

Nhiều nhà phân tích đồn đoán rằng, tình thế này có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải cân nhắc tới các biện pháp bổ sung để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo một số chuyên gia, trước khả năng xảy ra suy thoái ở châu Âu cùng với nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ giảm xuống sau khi tăng mạnh, trong khi chính sách tài chính thắt chặt hơn và các chính sách thiếu chắc chắn, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể giảm từ 2% trong nửa đầu năm 2012 xuống 1% vào cuối năm.

Từ những đánh giá riêng rẽ về Mỹ và châu Âu, nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính quốc tế cho rằng, suy thoái kép vẫn có thể xảy ra tại Mỹ và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong 12 tháng tới. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là phân tích của chuyên gia "bi quan" Nouriel Roubini.

Ông Nouriel Roubini cho rằng, phương pháp điều hành hệ thống tài chính, tiền tệ của châu Âu hiện không đủ mạnh để có thể sớm kết thúc cuộc khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu hiện nay. Theo ông, khả năng xảy ra suy thoái kép ở Mỹ và một số nước châu Âu là 50/50.

Đặc biệt, chuyên gia kinh tế "ít khi lạc quan" này cho rằng, nếu chẳng may xảy ra những bất ổn về tài chính, tiền tệ, thì mầm mống nảy sinh đều xuất phát từ khu vực các nền kinh tế phát triển.