06:00 03/12/2021

Thẻ ngân hàng nào được phép thanh toán không tiếp xúc trên tuyến buýt điện đầu tiên tại Hà Nội?

Hiện tại, chỉ có thẻ chip nội địa không tiếp xúc tại 7 ngân hàng mới thực hiện được phương thức thanh toán không tiền mặt trên xe buýt điện...

Như VnEconomy đã đưa, sáng 2/12, tuyến xe buýt điện (Vinbus) đầu tiên của Hà Nội chính chức lăn bánh và kết nối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Theo đại diện của Vinbus, đơn vị này áp dụng chính sách giá vé chung của các tuyến xe buýt thành phố từ 7.000 – 9.000 đồng/lượt, vé tháng từ 55.000 – 200.000 đồng/tháng.

Đồng thời, Vinbus sẽ miễn phí vé cho một số đối tượng như người cao tuổi, người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo…

Về phương thức mua vé, khách hàng có thể trả bằng tiền mặt, hoặc thanh toán không dùng tiền mặt bằng thẻ NAPAS do các ngân hàng Việt Nam phát hành.

Đối với hành khách sử dụng vé tháng có thể mua vé tháng, nạp tiền vào thẻ VinBus theo hình thức trực tuyến thông qua cổng thanh toán điện tử NAPAS tại địa chỉ https://vedientu.vinbus.vn/

Riêng với giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng thẻ chip do NAPAS cung cấp, khách hàng có thể thực hiện phương thức thanh toán không tiếp xúc chỉ bằng thao tác đưa thẻ chạm nhẹ lên thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt trên xe buýt để nhận vé.

Hiện tại, thẻ chip nội địa không tiếp xúc của 7 ngân hàng có thể thực hiện phương thức thanh toán này gồm: TPBank, BIDV, Agribank, SHB, Bản Việt, Viet Bank và SeABank.

Chia sẻ lý do hiện mới chỉ có thẻ chip nội địa không tiếp xúc tại 7 ngân hàng, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của NAPAS cho biết, bản thân NAPAS đã chuẩn bị xong cả về nhân lực, công nghệ…. Do đó, việc mới có 7 thành viên tham gia chủ yếu phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của các ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: “Hướng đi mới nào cũng cần phải có bước ban đầu, giống như việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cũng cần có thời gian để ngân hàng chấp nhận và chuẩn bị. Với sự tham gia của 7 ngân hàng trên tương đương 3 phân khúc: ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ và ngân hàng vừa, tôi tin rằng sẽ sớm có độ lan tỏa”.

Theo ông Hùng, NAPAS xác định thẻ chip nội địa không chỉ dừng ở các chức năng cơ bản rút tiền tại ATM và và thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán POS mà còn được tích hợp sử dụng trong các lĩnh vực khác như: giao thông , y tế, giáo dục…

Việc phát triển các sản phẩm thanh toán đa tính năng ứng dụng công nghệ chip trong nhiều lĩnh vực là hướng đi lâu dài của NAPAS nhằm đem lại nhiều tiện ích, gia tăng trải nghiệm cho người dùng, từ đó thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân cũng như nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế.

Vì vậy, trong thời gian tới NAPAS sẽ mở rộng giải pháp thanh toán đa ứng dụng với tất cả các ngân hàng thành viên trọng hệ thống cũng như phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải mở rộng mạng lưới thanh toán giao thông công cộng góp phần khuyến khích người dân trải nghiệm các dịch vụ di chuyển mới, thân thiện và bảo vệ môi trường.

 
Thẻ chip nội địa do các ngân hàng Việt Nam phát hành ra mắt thị trường từ tháng 5/2019 sử dụng chung thương hiệu NAPAS với công nghệ tiếp xúc và không tiếp xúc đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip do Ngân hàng Nhà nước ban hành và Tiêu chuẩn quốc tế EMV.
Đến nay, NAPAS đã cùng 43 tổ chức thành viên hoàn thành công tác triển khai tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.