Thêm 3 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại
3 nhà máy điện gió với tổng công suất 48,8 MW vừa được công nhận vận hành thương mại (COD). Như vậy, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021 đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất 963 MW đi vào vận hành thương mại…
Ngày 5/9/2021, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) thông tin cập nhật về tình hình công nhận vận hành thương mại (COD) đối với các nhà máy điện gió.
Cụ thể, trong tháng 8/2021, đã có thêm 3 nhà máy được công nhận COD là nhà máy điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 với tổng công suất 15,2 MW; nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận 21 MW; nhà máy điện gió 7A công suất 12,6 MW. Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021 đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại.
Trước đó, trong đầu tháng 8/2021, đã có 106 nhà máy điện gió, với tổng công suất 5.655,5 MW gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD.
Theo nội dung Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió, trước 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, bên Bán điện có trách nhiệm gửi bên Mua điện Dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.
Thông tư số 02/2019/TT-BCT, quy định trước 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, bên Bán điện có trách nhiệm gửi bên Mua điện Dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành.
Để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu, chuẩn bị đề nghị công nhận COD trước thời điểm 31/10/2021 thì Chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho Bên mua điện (EVN) muộn nhất là ngày 3/8/2021.
Như vậy, ngoài 24 nhà máy điện gió đã được cấp COD, thì số nhà máy còn lại đang đứng trước nguy cơ không kịp phát điện một phần hoặc toàn bộ dự án theo quy định, bởi thời hạn chỉ còn hơn 1 tháng.
Đối mặt với nguy cơ này, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam và UBND các tỉnh có dự án điện gió đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và các Bộ, ngành liên quan xem xét gia hạn thời điểm phát điện thương mại từ 3-6 tháng.
Cụ thể, UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia tới hết tháng 4/2022; UBND tỉnh Sóc Trăng xin gia hạn đến hết 31/3/2022. UBND tỉnh Gia Lai là địa phương kiến nghị mốc lùi thời hạn ngắn nhất là đến hết 31/12/2021.