08:28 09/07/2021

Thêm 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam trong tháng 7

Số vaccine này sẽ ưu tiên dành cho TP.HCM, các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang có diễn biến dịch phức tạp và một số địa phương cần duy trì phát triển kinh tế…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam…

LÂY NHIỄM DỊCH Ở TP.HCM CÒN PHỨC TẠP

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, số vaccine này sẽ ưu tiên dành cho TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang có diễn biến dịch phức tạp và một số địa phương cần duy trì phát triển kinh tế.

“Bộ Y tế sẽ điều 30 xe tiêm lưu động để hỗ trợ TP. HCM tiêm lưu động cho một số khu vực dân cư nhằm hạn chế tối đa người dân tập trung tại một địa điểm và ra ngoài nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Theo báo cáo của Bộ phận Thường trực Bộ Y tế tại TP.HCM, ngày 7/7, trên địa bàn TP.HCM ghi nhận 2 ổ dịch phát sinh mới. Điều rất quan ngại là nhiều ca bệnh, ổ dịch đã xuất hiện trong các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối. Đã xuất hiện lây nhiễm tại 6 ổ dịch trong khu công nghiệp, đồng thời có một số ổ dịch trong khu dân cư.

“Thực trạng này cảnh báo lây nhiễm dịch ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca mắc còn gia tăng trong thời gian tới, đồng nghĩa tăng gánh nặng đối với cơ sở y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảnh báo.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, phòng chống dịch tại TP.HCM không chỉ cho thành phố mà còn có yếu tố quyết định đến sự thành công trong chống dịch của cả nước. Phòng chống dịch tại TPHCM phải gắn kết chặt chẽ với phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố lân cận.

“Chúng ta phải coi Bình Dương, Long An, Đồng Nai gần như là một thể thống nhất để triển khai phòng chống dịch tổng thể trong khu vực này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

KHUYẾN NGHỊ 3 HÌNH THỨC THỰC HIỆN GIÃN CÁCH

Trên cơ sở Thủ tướng đã đồng ý cho TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ Y tế khuyến nghị 3 hình thức giãn cách cụ thể:

Thứ nhất, giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 cộng trên địa bàn toàn thành phố.

Thứ hai, thực hiện phong toả một số khu vực có nguy cơ cao. Tại đây phải thực hiện chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Thứ ba, áp thiết chế cách ly tập trung tại vùng lõi để tăng cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung. Tại đây cần triệt để áp dụng không được ra khỏi nhà. Tất cả nhu yếu phẩm thiết yếu phải được đưa đến tận nhà cho người dân.

Như vậy, có 3 vòng cách ly: Vòng chung là Chỉ thị 16, vòng thứ 2 là vùng cách ly y tế và vòng thứ 3 là vùng cách ly tập trung. “Chúng tôi lưu ý có 3 vòng cách ly như vậy để TP.HCM áp dụng linh hoạt”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Về xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá: thời gian qua TP.HCM đã triển khai khá tích cực. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị TP.HCM đối với vùng lõi, vùng phong toả, vùng áp thiết chế cách ly tập trung cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần để “quét” đưa ra khỏi cộng đồng các ca bệnh dương tính. Có thể sử dụng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR.

Đối với khu vực có nguy cơ thì 5-7 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần. Đối với các khu vực khác, tiến hành giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu theo hộ gia đình.

“Có thể áp dụng cả xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm gộp mẫu, tuy nhiên chỉ nên xét nghiệm 5 mẫu gộp. Nếu tổ chức được xét nghiệm với tần suất như trên thì trong 15 ngày tới sẽ quét được 5 vòng tại khu vực vùng lõi, vùng có yếu tố nguy cơ và vùng cách ly tập trung và có thể giảm được lây nhiễm ”, Bộ trưởng nói.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay trong ngày  8/7, Bộ Y tế sẽ cử GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chuyên gia hàng đầu về xét nghiệm vào TP.HCM hướng dẫn thành phố triển khai công tác xét nghiệm.